Ở Việt Nam, Người Xinh Mun cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Việt-Lào và ven sông Mã thuộc hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Ngôn ngữ của dân tộc Xinh Mun thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Người Xinh Mun cũng rất giỏi tiếng Thái.

Người Xinh Mun sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, trồng lúa nếp và ngô là chính. Trước kia người Xinh Mun chăn nuôi gia súc... thả rông, nay nhiều bản đã biết làm chuồng, nhưng cách xa nhà. Bên cạnh đó, hái lượm và săn bắn cũng có vai trò quan trọng trong đời sống của người Xinh Mun. Nghề đan lát cũng khá phát triển. Người Xinh Mun khéo tay, đồ đan đẹp và bền, họ thường mang đổi cho người Thái, người Lào để lấy một phần quần áo mặc và đồ sắt. 

Trước kia người Xinh Mun sống du canh, du cư, nay đồng bào đã sống ổn định và lập những làng đông đúc. Người Xinh Mun đa số mang họ Lò, họ Vi. Phong tục tập quán của người Xinh Mun có nhiều điểm tương đồng với người Thái, người Lào do giao thoa văn hóa và cư trú gần với 2 dân tộc này. Trong cuộc sống thường ngày người Xinh Mun sử dụng cả tiếng dân tộc mình và tiếng Thái, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái và hát theo làn điệu Khắp Thái. Trang phục truyền thống giờ chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi. Cả cộng đồng người Xinh Mun không còn ai làm trang phục dân tộc. Từ người già đến người trẻ đều mặc trang phục của người Thái hoặc người Kinh…

Người Xinh Mun theo phụ hệ nhưng có tục ở rể. Trước đây con trai phải ở rể khoảng 8-12 năm hoặc ở rể suốt đời nếu bên vợ không có con trai. Trong lễ cưới đi ở rể, cô dâu, chú rể phải đổi tên và lấy một tên mới, dùng chung cho cả hai. Tên chung do bố mẹ vợ hoặc ông cậu đặt cho, đôi khi lại phải bói xin âm dương để tìm tên chung. Cô dâu búi tóc ngược lên đỉnh đầu biểu hiện là người con gái đã có chồng. Lễ cưới đưa dâu về nhà trai tổ chức sau khi hết thời gian ở rể, lúc đó đôi vợ chồng đã có một hoặc vài đứa con. 

Người Xinh Mun thờ cúng tổ tiên hai đời. Tại nơi thờ họ đặt một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Tổ tiên được cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. 

Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên

 Ảnh 360 - Dân tộc Xinh Mun

(Thực hiện: Nhóm PV)