Theo các nhà nghiên cứu, cách đây hơn 100 năm, người Khơ Mú di cư đến một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Sơn La, Lai Châu rồi dần lan tới các địa phương khác. Tiếng nói của người Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Theo tập quán, người Khơ Mú thường dựng làng ở lưng chừng núi, mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà gồm nhiều dòng họ cùng chung sống đoàn kết. Theo phong tục cổ truyền, mỗi dòng họ của dân tộc này đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây. Có dòng họ coi thú, chim hoặc lấy một loại cây là tổ tiên ban đầu của mình, nên họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này.

Trang phục của người Khơ Mú chịu ảnh hưởng nhiều trang phục của người Thái. Khăn piêu, áo cóm đen, áo có hàng cúc bướm chạy dọc đối diện nhau, váy bằng vải đen. Riêng ngực áo cóm, dọc hai bên hàng cúc áo có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang phồn thịnh luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở.

Khăn piêu gần giống như khăn piêu Thái, điểm khác biệt là đầu khăn có khâu những đường viền xanh đỏ. Cách đội khăn piêu của người Khơ Mú khác hoàn toàn với cách đội khăn piêu của người Thái. Trước khi đội khăn, chị em búi tóc gọn trên đầu, dùng thêm độn cho búi tóc đẹp. Sau đó, mới quấn khăn, một đầu ôm lấy búi tóc, còn đầu kia giấu kín vào vành khăn.

Trang phục của nam giới gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi.

Dân tộc Khơ Mú gắn bó với nương rẫy, khác với văn minh lúa nước của người Thái nên có câu “Người Thái ăn theo nước, người Xá ăn theo lửa”. Từ kinh tế nương rẫy truyền thống mà dân tộc Khơ Mú đã đúc kết cho mình kinh nghiệm sản xuất canh tác, dựa vào trời mây, con vật di chuyển để đoán biết thời tiết để trồng lúa nương, lúa nếp, lúa tẻ, trồng ngô, khoai, sắn, bầu bí. Phương tiện làm nương là rìu, dao, cuốc, xẻng. Phương tiện tra hạt là gậy gỗ đặc để chọc lỗ bỏ hạt.

Ngoài trồng trọt, đồng bào chăn nuôi trâu, lợn, gà để phục vụ đời sống và nghi lễ. Do canh tác nương rẫy nên nghề đan lát nhất là đan các dụng cụ gùi, thồ… rất phát triển, ngoài phục vụ trong sinh hoạt gia đình, đồng bào còn đem các sản phẩm này xuống vùng thấp đổi cho người Thái, Mường lấy vải vóc, quần áo, trang sức cá nhân.

Người Khơ Mú ở nhà sàn, thường làm ba gian trên diện tích đất bằng phẳng, vật liệu làm nhà trước đây của đồng bào chủ yếu là tre nứa và cỏ gianh, ngày nay nhà ở của người Khơ Mú đã kiên cố hơn. Điều đáng chú ý là trong nhà có ba chiếc bếp, bếp ở gian thứ hai nấu nướng thông thường, bếp giáp hàng cột cái của vì cột thứ ba là bếp cúng và bếp trong cùng chỉ để xôi cơm biểu thị sự no đủ, sung túc. Theo quan niệm của đồng bào, khách lạ không nên đến hai bếp này vì dễ đem điều rủi ro cho chủ nhà.

Người Khơ Mú có hát Tơm mang đậm tính sử thi, trữ tình, cách hát theo đối đáp rất tình cảm. Người Khơ Mú thích múa xoè, các nhạc cụ được sáng tạo từ các vật liệu tre nứa có sẵn trong thiên nhiên với các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo.

Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên

 Ảnh 360 - Dân tộc Khơ Mú

(Thực hiện: Nhóm PV)