Điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá

Theo Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tháng 12/2021 tại Làng sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động Chào năm mới 2022. Trong đó, hoạt động điểm nhấn có chủ đề "Hương rừng sắc núi" với phần giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

{keywords}
Một nghi lễ của đồng bào dân tộc Mường (Ảnh: Quang Vinh).

Là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá, thổ cẩm là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Cùng là thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc lại có nét hoa văn khác nhau tạo đặc trưng riêng. Mỗi vùng miền sẽ có nét riêng biệt về kiểu dáng, màu sắc, trang trí tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa. Mỗi kiểu trang phục của đồng bào các dân tộc là một công trình nghệ thuật tài hoa trong sử dụng màu sắc.

Thổ cẩm là chất liệu chính tạo nên sắc thái riêng cho từng loại trang phục. Qua hàng trăm năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ như báu vật. Những tấm vải thổ cẩm đến nay vẫn được coi là lễ vật trong đám hỏi, đám cưới hay quà kỷ niệm trong những dịp trọng đại. Hoa văn thổ cẩm phần lớn là hình ảnh chim muông, hoa lá, hạt giống, hiện tượng thiên nhiên hay mô phỏng hoạt động con người. Chính điều này đã dệt nên bức tranh đa sắc cho thổ cẩm của đồng bào, đưa tinh hoa thổ cẩm thành di sản văn hóa đáng tự hào.

Đồng bào các dân tộc cũng tái hiện các nghi thức văn hóa truyền thống liên quan đến thổ cẩm; giới thiệu với du khách các quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như kỹ thuật bật bông, cán bông, nhuộm màu, se sợi, dệt..., trưng bày giới thiệu những sản phẩm nhiều màu sắc tới du khách.

Trong số này phải kể đến nghi thức cúng vợt sợi bông (dyeng toc brai) của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai. Nghề dệt thổ cẩm là một trong số các di sản văn hóa phi vật thể của người dân tộc Ba Na. Thổ cẩm Ba Na nổi bật bởi những nét hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Phụ nữ dân tộc Ba Na, người làm nên loại thổ cẩm giàu sức cuốn hút này, luôn mong muốn thổ cẩm mở rộng được thị trường tiêu thụ...

Cùng với đó là phần tái hiện nghi thức cúng dâng tấm zèng (thổ cẩm) của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp. Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí cả tháng. Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng; là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân; thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, người có công với buôn làng.

"Mâm cơm sum họp ngày cuối năm"

Đặc biệt, đồng bào các dân tộc cũng giới thiệu "Mâm cơm sum họp ngày cuối năm". Trong đó, mỗi dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng nhất góp cùng vào mâm cơm sum họp để giới thiệu ẩm thực vùng miền. Qua đó thấy được sắc màu văn hóa của các dân tộc hội tụ trong mâm cơm chung ngày cuối năm.

Trong chương trình “Tây Nguyên - Mùa hoa dã quỳ nở”, đồng bào sẽ thể hiện các bài hát về các loài hoa gắn với cảnh sắc, con người Tây Nguyên; bài ca về quê hương, đất nước, sắc màu văn hóa...

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc cùng đồng  bào các dân tộc. Có thể kể đến món xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu của dân tộc Mường; gà nướng của dân tộc Dao; mật ong rừng, cà phê, ca cao của dân tộc Ê đê; bánh tét của dân tộc Khmer; thịt khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái.

Bên cạnh đó là hoạt động hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu  đan xen các tiết mục văn nghệ, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu, trò chơi dân gian…

Ngân Phương
Ảnh: Vũ Phong

Đời sống tín ngưỡng phong phú trên xứ “thác đổ, thông reo”

Đời sống tín ngưỡng phong phú trên xứ “thác đổ, thông reo”

Các tôn giáo đã được du nhập vào vùng cao nguyên Lang Biang khá sớm, sự tăng trưởng về số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự... của các tôn giáo đều gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.