Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc chính là sợi chỉ đỏ, là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta.

Tuy nhiên ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lại đặt ra những thách thức và yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Làm thế nào nắm vững bài học từ quá khứ và xử lý thành công hai nhiệm vụ trọng yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay?

Với mong muốn phần nào làm sáng tỏ vấn đề này, VietNamNet tổ chức tọa đàm “Dựng nước đi đôi với giữ nước: Kế sách nhất quán, quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam” với sự tham dự của các khách mời:

PGS.TS Trần Đức Cường: Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

GS.TS Vũ Minh Giang: Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch dân tộc

Video: 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa PGS.TS Trần Đức Cường, xin ông phân tích việc dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh ngày nay giống và khác xưa như thế nào?

PGS.TS Trần Đức Cường: Cách đây hơn 5 thế kỷ, trong “Bình Ngô Đại Cáo” Nguyễn Trãi đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Ngay từ thời kỳ đó, ông cha ta đã biết việc xây dựng nước là cần cái gì và phải trên cơ sở xây dựng đất nước giàu mạnh về mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… xây dựng dựa vào dân thì mới giữ được nước.

Ngày nay, qua kết quả nghiên cứu, chúng ta rút ra một quy luật phát triển đồng thời là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam đó là: Dựng nước đi đôi với giữ nước. Trên cơ sở ấy, chúng ta mới có thể bảo vệ và phát triển đất nước được như ngày hôm nay.

Tôi nghĩ rằng, trước đây như thế nào thì ngày nay cũng như thế nhưng phát triển ở mức độ cao hơn. Chúng ta có đủ điều kiện để đánh giá, tổng kết dựa trên kết quả nghiên cứu của giới sử học, giới nghiên cứu chính trị học và nhiều lĩnh vực khác nữa để thấy được giá trị vĩnh cửu của việc phối hợp, kết hợp giữa dựng nước và giữ nước đi đôi với nhau là một nguyên lý, quy luật phát triển của đất nước ta.

Nhà báo Diệu Bình: Theo quý vị khách mời, những đặc thù trong lịch sử hình thành và vị trí địa chính trị của Việt Nam có ảnh hưởng ra sao tới sự định hình truyền thống dựng và giữ nước của dân tộc?

GS.TS Vũ Minh Giang: Chúng ta hay nói đến khái niệm địa chính trị, tức là nói đến vị trí của một quốc gia nhìn từ ánh nhìn chính trị. Về mặt này dường như quốc gia nào cũng định hình trong lịch sử một tính chất, đặc điểm nào đó.

Xét theo góc độ địa chính trị, có thể nói, điều PGS.TS Trần Đức Cường vừa chia sẻ là hằng số của lịch sử Việt Nam. Tức là dựng nước với giữ nước gắn với nhau. Ở đây, hằng số này không chỉ là song hành, tức là dựng nước đi đôi với giữ nước như chúng ta từng nói, mà chúng gần như là tiền đề của nhau.

Nếu chỉ chăm lo đến chuyện giữ nước, không xây dựng đất nước hùng cường thì nước cũng chẳng giữ nổi. Ngược lại, chỉ chăm chăm vào chuyện làm ăn, không chú ý đến an ninh quốc phòng thì cũng không có điều kiện yên ổn làm ăn. Hằng số ấy gần như xuyên suốt từ quá khứ cho đến hôm nay.

Tuy nhiên, tôi cũng xin bổ sung thêm một vài ý, đó là vị trí địa lý, hay địa chính trị có hằng số của nó nhưng cũng có giá trị biến đổi theo thời gian do hoàn cảnh lịch sử.

Sự khác nhau đó là gì? Đó là tình hình thế giới khác rồi, không còn như ngày xưa. Ngày xưa, anh nào đến đánh mình thì chỉ biết mình thôi. Bây giờ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vị trí địa chính trị của ta cũng có cái khác. Cho nên cái khác nhau còn ở chỗ thế và lực của chúng ta bây giờ cũng không như xưa nữa.

Chúng ta có thể hiểu vị trí của mình trên trường quốc tế làm cho lực của chúng ta ở trong nước có sự đổi thay. Nhất là khi chúng ta ở đỉnh cao của tổng kết kinh nghiệm lịch sử. Chúng ta đã trải qua các thời kỳ thực hiện nhiệm vụ dựng và giữ nước đi liền với nhau, trải qua những kinh nghiệm vô giá, phải trả bằng máu xương.

Vấn đề đặt ra cho hôm nay, với vị trí địa chính trị như chúng ta đang có, không bao giờ được sao nhãng, vì nó nhạy cảm, luôn luôn chịu sức ép từ bên ngoài. Do đó, việc thường xuyên phải duy trì cảnh giác trong quá trình xây dựng đất nước là điều gần như bất biến.

Chúng ta cũng phải nhớ đến bài học về vị trí địa chính trị của chúng ta là giao tiếp, luôn luôn có tác động từ bên ngoài, cho nên phải có tư duy mở. Chúng ta từng đóng cửa và không đi tới thành công, không giữ được nước và bài học đóng cửa là tự sát cũng là kinh nghiệm xương máu.

Cho nên chúng ta phải “cư an” nhưng phải “tư nguy”. Tức là yên đấy nhưng phải lường đến cái tình hình nguy hiểm. Đặc biệt, bài học tôi thấy hiện nay các đồng chí lãnh đạo hay nói là làm sao phải biến nguy thành cơ, nghĩa là biến nguy hiểm rình rập thành cơ hội.

{keywords}
Từ trái qua phải: Nhà báo Diệu Bình, GS.TS Vũ Minh Giang, PGS.TS Trần Đức Cường

PGS.TS Trần Đức Cường: Là một nước Đông Nam Á, Việt Nam nằm ở địa bàn có giao lưu quốc tế rất rộng lớn, phía trên thì có Trung Quốc, xa hơn thì có Nhật Bản, xa hơn nữa thì có Ấn Độ và các nước phương Tây. Với địa thế ấy, chúng ta thường phải đối chọi với rất nhiều thế lực khác nhau trên thế giới.

Đó là trước đây, còn bây giờ chúng ta có điều kiện vừa là nguy cơ nhưng vừa là cơ hội để có thể phát triển mối quan hệ với các nước. Do đó trong việc xây dựng đất nước chúng ta có những thử thách nhưng cũng có những cơ hội, để thấy rằng, vị trí của Việt Nam như vậy, phải làm sao để phát huy được hết nội lực của dân tộc, của đất nước. Dân phải giàu, nước phải mạnh chúng ta mới giữ được nước.

Tôi nghĩ đây là điều mà người dân cũng biết, lãnh đạo càng biết. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã vượt qua rất nhiều những khó khăn, thử thách để vừa bảo vệ được độc lập, tự chủ của đất nước, vừa phát triển với tốc độ có thể nói là khá hấp dẫn.

Nhà báo Diệu Bình: Từ những câu chuyện cụ thể, ví dụ cụ thể, các ông nhìn nhận các triều đại phong kiến, ông cha ta đã có sự xử lý ra sao đối với nhiệm vụ dựng và giữ nước? Đồng thời cũng xin quý vị có những phân tích tổng quát.

PGS.TS Trần Đức Cường: Thời kỳ phong kiến chúng ta không nhìn được xa ra bên ngoài thế giới và chúng ta cụm lại. Cho nên khi một quốc gia nào đến xâm lược, chủ yếu chúng ta biết dùng sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại và đã trải qua hàng chục cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Kể cả khi đất nước bị đặt dưới ách ngoại xâm, chúng ta cũng biết cấu kết cộng đồng lại, để bảo vệ độc lập, tự chủ, giải phóng đất nước khỏi ách chiếm đóng của ngoại bang. Đó cũng là một trong những bài học xương máu mà dân tộc ta đã trải qua.

Ngày nay chúng ta biết xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, có sự lãnh đạo đúng đắn và trên cơ sở đó xây dựng được thế mạnh về nhiều mặt để đối chọi với các thế lực. Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, đặt trong bối cảnh quốc tế như thế nào để có được vị thế có lợi nhất trong việc chống lại các thế lực có thể xâm lược, đe dọa chúng ta. Tôi cho rằng tính thời đại của thời đại toàn cầu hóa này chính là chỗ ấy.

GS.TS Vũ Minh Giang: Tôi chia sẻ với ý kiến của PGS.TS Trần Đức Cường và cũng xin đi sâu phân tích, cụ thể hơn.

Chúng ta có một kho báu là kinh nghiệm lịch sử mấy nghìn năm mà chưa biết đến bao giờ mới có thể khai thác hết được. Bởi vì những kinh nghiệm đó không phải chỉ trả giá bằng những trải nghiệm, lao động để có được thành tựu mà còn phải trả bằng máu. Trong kho tàng đồ sộ, vô giá ấy, tôi nghĩ có 5 bài học mà tất cả người Việt Nam, từ lãnh đạo cao nhất cho đến người dân phải khắc cốt ghi xương.

Bài học thứ nhất là trong câu chuyện gìn giữ đất nước, bảo vệ Tổ quốc không được một phút nào lơ là, phải cảnh giác. Bài học ấy An Dương Vương đã để lại cho chúng ta.

Rõ ràng là chúng ta có thành cao, hào sâu, có vũ khí hiện đại là nỏ thần – một câu chuyện có tính chất huyền tích. Chúng ta có tất cả nhưng lại mất cảnh giác nên phải trả giá bằng hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Bài học thứ hai là bài học tích cực từ nhà Trần, triều đại đã 3 lần đánh thắng quân Mông - Nguyên, một đạo quân cả thế giới kinh hãi, đi đến đâu thắng đến đó, không một ai cưỡng lại được vó ngựa của đế chế Mông – Nguyên.

Bài học rút ra chính là: trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Phải khắc cốt ghi xương bài học lấy dân làm gốc. Đất nước của chúng ta nếu không có sự chung sức của toàn dân, thống nhất trên dưới, sẽ rất khó có thể vượt qua được thử thách hiểm nghèo như vậy.

Bài học thứ ba là bài học Hồ Quý Ly để lại. Triều đại nhà Hồ đã xây dựng được một tòa thành có thể nói là hiện đại nhất Đông Nam Á ở thời kỳ đó. Để có tòa thành đó phải bao nhiêu công sức, riêng một tảng đá xây thành cũng nặng trên dưới 7 tấn.

Tuy nhiên, với tòa thành kiên cố đó, vũ khí hiện đại thời đó như súng thần cơ, thuyền Cổ lâu… cũng chỉ cầm cự được giặc Minh đúng 6 tháng thì bị bắt sạch không còn ai. Nguyên nhân thua trận là do ỉ vào vũ khí, ỉ vào những cái thuần túy là trang thiết bị và thành cao, hào sâu.

Bài học thứ tư là bài học đóng cửa của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn đóng cửa tự hào. Tôi nhớ, trong các điều trần của Nguyễn Trường Tộ, điều trần cuối cùng có tiêu đề giống tiếng lòng của ông: “Mở cửa hay là chết”.

Ông nói rằng, riêng ông đi khắp Đông châu, Tây châu (ý muốn nói là đi nhiều nước), chỉ thấy nước ta ly kỳ đệ nhất, đóng cửa tự hào, coi thường thiên hạ. Cho nên phải mau mau mở cửa, đóng cửa là chết.

Triều Nguyễn tự hào cho rằng mình chẳng kém gì ai, không cho bất cứ sự ngoại lai nào du nhập vào và cuối cùng là mất nước.

Bài học thứ năm chính là bài học tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh. Lúc chúng ta ngàn cân treo sợi tóc khi mới giành được chính quyền, làm sao có thể tranh thủ được tất cả những gì tranh thủ được, rõ ràng chúng ta đã vượt qua những thác ghềnh hiểm nghèo mà chỉ sai một ly thôi thì có thể cả dân tộc này đã mất hết cơ nghiệp một lần nữa.

Chúng ta giành được độc lập, giành được chính quyền nhưng làm sao giữ được chính quyền đó chính là bài toán dựng và giữ nước. Vấn đề này thể hiện rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là làm sao phải khôn khéo, mềm dẻo, biết tranh thủ tối đa… để rồi cuối cùng vẫn giữ được nước, vẫn có điều kiện để phát triển.

Ai đánh giá thấp vai trò của nhân dân chắc chắn sẽ thất bại

Video: 

Nhà báo Diệu Bình: Có ý kiến cho rằng “lấy đoản chế trường”, ý nói lấy binh nhỏ, binh ít, để thắng kẻ thù cậy có đông quân, nhiều tiềm lực, thường đánh lớn, đánh nhanh, là nét khái quát nhất về nghệ thuật quân sự giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, ông nhìn nhận ra sao về điều này?

GS.TS Vũ Minh Giang: Từ trước đến nay có những suy luận, cho rằng chữ “đoản” và chữ “trường” tức là ngắn và dài. Có người nhận định “đoản” tức là vũ khí nhỏ, “trường” là vũ khí dài. Thế nhưng, câu này thực ra mang ý nghĩa: “Dĩ đoản binh chế trường trận”.

Đoản binh ở đây không phải binh lính ngắn mà câu này phải đặt trong bối cảnh lịch sử. Đó là sau khi quân dân Đại Việt thời Trần đã đụng độ với đế chế Mông Cổ (giai đoạn đầu chưa phải Mông – Nguyên) và chúng ta thắng một cách vất vả. Trong khi đó là một đạo quân chưa phải lớn, chưa phải dốc sức để đánh Đại Việt mà chỉ là một cánh quân vu hồi từ phía Nam lên để diệt nhà Tống.

Chúng ta đã thực hiện một chiến thuật, sau này được tổng kết là không phù hợp, là dàn trận ở Bình Lệ Nguyên, tức vùng Bình Xuyên bây giờ, có một cánh đồng tương đối bằng phẳng (cánh đồng Bình Lệ Nguyên). Trận đánh này ta tổn thất rất lớn, có thể nói là một trận thất bại, vì bày trận đánh ngang với quân Mông Cổ.

Lúc đó phải may mắn lắm vua Trần mới thoát chết. Nhiều tướng tá không giữ được khí tiết, thậm chí phải xin hàng quân Mông Cổ.

Từ đó, Trần Quốc Tuấn mới rút ra, đánh với đạo quân bày trận theo kiểu chính quy sẽ đánh không lại. Vì vậy, phải sử dụng sở trường của mình, tức là phải đánh theo kiểu nhỏ lẻ (ngày nay gọi là đánh du kích), rút lui, buông bỏ những trận địa cho chúng, chờ khi chúng mệt mỏi vì thời tiết thay đổi, ta mới tập kích đánh vào. Cuối cùng chúng ta thắng theo cách đó.

Ý của Trần Quốc Tuấn, “dĩ đoản binh chế trường trận” là như thế. Đánh theo lối đánh của mình, nhỏ lẻ thôi nhưng tiêu hao quân của địch và khi quân địch đã bị nao núng ý chí ta mới tập trung đánh những trận quyết chiến. Ý nghĩa của câu này là lấy sở trường là nhỏ, lẻ nhưng tinh để đối lại cái bày trận theo lối chính quy, đánh trận địa chiến của địch.

PGS.TS Trần Đức Cường: Tôi muốn nói thêm một chút về ý mà GS.TS Vũ Minh Giang đã đề cập. Trong lịch sử dân tộc, chúng ta đã có thành cao, hào sâu. Trước đây thì có An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa với 3 vòng thành kiên cố nhưng khi quân Triệu vào đánh, chỉ một thời gian rất ngắn sau tòa thành bị thất bại và nước ta rơi vào 1.000 năm Bắc thuộc. Đây là thành thứ nhất.

Thành thứ hai là thành nhà Hồ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Thành thứ ba có thể nói đến là thành Gia Định, thời cụ Nguyễn Tri Phương, cũng là bậc kỳ tài của đất nước chúng ta về mặt quân sự và chính trị. Thành thứ tư là thành Hà Nội và chúng ta cũng không giữ được nước, bị kẻ thù đánh bại.

Nhưng ngay từ cách đây 300 năm, người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ đã có một tổng kết rằng, bức thành giữ được đất nước chính là dân chúng, “chúng chí thành thành”. Đấy là một trong những ý rất hay, nó cho thấy phải dựa vào khối đoàn kết toàn dân.

Chính vì vậy cho đến ngày nay chúng ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân không phải ngày 1, ngày 2 mà có được ngay ý tưởng đó. Theo tôi nghĩ, đó là tổng kết lịch sử. Bộ tham mưu chiến đấu của dân tộc ta ở bất kỳ thời kỳ nào cũng có những đánh gia tổng kết để có được những điều đó.

Thứ hai, nhân GS.TS Vũ Minh Giang nói về trận Bình Lệ Nguyên, nó cho thấy chúng ta phải làm thế nào để tìm ra cách đánh của riêng mình. Chúng ta không đánh theo cái mà kẻ thù đến, dàn ra để đánh chúng ta.

Những trận chiến ngay từ thời nhà Trần, trong 3 lần chiến thắng quân xâm lược Mông – Nguyên, sau đó đến thế kỷ XV, Lê Lợi từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã biến nó thành phong trào giải phóng dân tộc, lan rộng đến cả nước. Cách đánh lúc bấy giờ rất phù hợp với tình hình của ta.

Thời kỳ hiện đại, chúng ta chiến thắng thực dân Pháp xâm lược ở chỗ nào? Năm 1945-1946, thực dân Pháp vào xâm lược nước ta, lực lượng quá chênh lệch. Quân đội Pháp là quân đội nhà nghề, được trang bị hiện đại, còn chúng ta là đội quân từ nông dân mà ra là chính, xây dựng thành đội quân.

Nhưng chúng ta có cách đánh du kích, phát triển chiến tranh du kích đến mức cao nhất và cuối cùng, chúng ta xây dựng những Đại đoàn độc lập. Sau này, những đại đoàn ấy đã giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy thế giới.

Năm 1965, khi Mỹ đổ quân, ban đầu là chục vạn, sau đó khoảng 56 vạn quân Mỹ và quân các nước thuộc phe Mỹ lúc bấy giờ. Trên thế giới, người ta rất lo lắng cho Việt Nam: một đội quân như quân Mỹ lúc bấy giờ làm sao để đánh lại được? Chúng ta nói rằng, sẽ tìm ra cách đánh. Trong Nam có khẩu hiệu “Tóm lấy thắt lưng địch mà đánh”, chính vì vậy, dần dần chúng ta tìm ra cách đánh và giành chiến thắng.

Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào nếu chúng ta đánh theo quy luật chiến tranh trên thế giới này mà không phù hợp với đất nước, con người và lực lượng quân sự của ta thì khó có thể giành được thắng lợi. Tôi nghĩ, đó là những ý từ tổng kết lịch sử trong mấy nghìn năm chúng ta rút ra được.

{keywords}
 GS.TS Vũ Minh Giang, PGS.TS Trần Đức Cường

Nhà báo Diệu Bình: GS.TS Vũ Minh Giang, triết lý giữ nước xưa và nay của dân tộc ta đều thống nhất về sức mạnh của lòng người. Vậy bài học “lấy dân làm gốc”, “yên dân” đã được ông cha ta vận dụng ra sao trong nhiệm vụ dựng và giữ nước?

GS.TS Vũ Minh Giang: Khi đặt vấn đề này ra, tôi lại nhớ đến kỷ niệm khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sinh thời, tôi đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, hỏi han và làm một số việc cùng với Đại tướng.

Một lần, Đại tướng nói một ý mà tôi lấy nằm lòng. Đấy là các nhà sử học hay có một nhận xét mà Đại tướng cho rằng không đúng, là hay chế các tướng lĩnh của các đế quốc đánh ta, vì cuối cùng là họ thua trận. Họ hay phân tích theo cách đánh giá ông tướng này đánh giá sai cái này, kém cái kia…

Với tư cách là người đã cầm quân và tư duy quân sự đến mức độ thiên tài, Đại tướng lại nói đại ý thế này: Tôi đã nghiên cứu, họ đều là những tướng rất giỏi. Chẳng hạn, những người đã xây dựng tư tưởng, lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ họ không sai một điểm nào cả. Nếu chúng ta mà đánh theo tư duy quân sự thì không thể nào thắng được, thậm chí có thể thiệt hại đến mức quân đội Việt Minh không gượng dậy được nữa.

Bởi vì với một hệ thống phòng thủ trong, ngoài, rồi xe tăng, pháo binh, không quân như thế, không cách gì đánh được. Chưa kể, tập đoàn cứ điểm rất xa hậu cứ của ta, ta sẽ giải quyết vấn đề hậu cần thế nào, giải quyết vấn đề thương binh ra sao? Tất cả những điều đó họ đã tính hết. Bởi vì, nhất cử, nhất động của ta sẽ bị máy bay phát hiện ngay và pháo dập vào, bom ném xuống.

Thế nhưng, theo Đại tướng, với tất cả tài giỏi đó, họ không bao giờ lường được là hàng vạn chiếc xe đạp thồ đã giải quyết tất cả bài toán mà không trường nào dạy, không một chỗ nào mà có thể nghĩ tới điều đó. Đấy chính là nhân dân.

Xe đạp vốn là phương tiện giao thông rất thô sơ, dân ngụy trang bằng lá, không cách gì máy bay có thể phát hiện được. Vì chỉ cần rì rầm tiếng máy bay thôi là xe đạp vứt vào bụi cây. Hàng vạn chiếc xe đạp tự nhiên biến mất, mà trên mỗi chiếc xe đạp chở biết bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu đạn dược. Điều đó người Pháp làm sao mà biết được.

Tôi cho rằng câu chuyện đó của Đại tướng đã giải đáp rất nhiều về ý chúng ta đang bàn ở đây. Có thể đi tới kết luận thế này, đất nước ta không phải nhỏ đâu, nhưng số phận của nước ta bao giờ cũng đương đầu với những kẻ thù, đế quốc quá hùng mạnh, hiện đại và giàu có.

Do đó, lấy sức của một quốc gia chọi lại thường là không thành công. Gần như sức mạnh toàn dân tộc trở thành báu vật cho tất cả các chính quyền từ xưa đến nay. Nó đã thành quy luật, ai sơ sẩy, đánh giá thấp vai trò của nhân dân chắc chắn sẽ thất bại. Trên thực tế đã chỉ ra như vậy.

Khi nói đến triết lý “Lấy dân làm gốc” thì đó không phải là một lý thuyết, mà nó được rút ra từ thực tế, lịch sử, là bài học kinh nghiệm mà chúng ta phải trả bằng máu mới có được. Vì vậy đây chính là báu vật trao truyền từ rất nhiều đời, rất nhiều thế hệ cha ông cho chúng ta hôm nay.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Video: 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, một trong những việc trong xây dựng và bảo vệ đất nước là ứng xử bang giao, phải làm sao để vừa giữ được sự độc lập, tự chủ tối đa, vừa giữ được sự hòa hiếu. Bài học có thể rút ra từ xưa để vận dụng cho bối cảnh hiện nay là gì?

GS.TS Vũ Minh Giang: Bang giao ở Việt Nam đã có lịch sử từ rất lâu. Bang giao trong quan hệ giữa dựng nước và giữ nước có thể có tác dụng trì hoãn chiến tranh. Trong lịch sử, nhiều chính quyền, chẳng hạn như nhà Trần đã có những chính sách ngoại giao đôi khi phải nhẫn nhục để giữ được hoàn cảnh không có chiến tranh. Hay nói cách khác là giữ hòa bình đến phút cuối cùng thì mới có được khoảng thời gian từ năm 1258 đến 1285 tương đối dài, chứ nhà Nguyên muốn đánh ta từ lâu rồi.

Ngoại giao còn có ý nghĩa làm sao để lôi kéo người khác ủng hộ mình. Nhất là trong thời hiện đại, có thể thấy rất rõ, chiến thắng của chúng ta có sự góp sức của nhân loại trên thế giới. Rõ ràng đây là thành công của mặt ngoại giao.

Thứ ba là cách kết thúc chiến tranh như Nguyễn Trãi nói “dập tắt muôn đời chiến tranh”, tức là không gây hận thù tiếp, không để cho người ta cay cú thì kết thúc chiến tranh bằng hòa đàm. Đó là bài học cho thấy ngoại giao đối với một đất nước như Việt Nam phải trở thành một nghệ thuật.

Những chính sách ngoại giao năm 1946, thời điểm mà chúng ta gần như chẳng có gì, tôi cho rằng có thể trở thành kinh điển cho tất cả các thế hệ mai sau.

Tôi nhớ Toàn quyền Đông Dương từng cho rằng chính quyền này chỉ tồn tại được mấy tháng, vì chúng ta không có gì, tiền không, lực không có, quân đội không. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân làm ngoại trưởng, sang Pháp làm tất cả những gì có thể và cuối cùng chuyển thế thành lực, chuyển nguy thành cơ.

Đằng sau tài ngoại giao của Cụ Hồ là đường lối có thể gói gọn trong một câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Độc lập dân tộc là không thể thay đổi và lấy cái đó làm nền tảng, thì nhượng bộ, thỏa hiệp… nhiều cái nhưng cuối cùng chúng ta vẫn giành được thành công.

Hiện nay, ngoại giao đang được chúng ta vận dụng rất tích cực, trở thành một cách phòng vệ từ xa. Ngoại giao là thêm bạn, bớt thù. Ngoại giao là tăng cường sức mạnh và là làm sao đó để tất cả những gì mình có trở thành lợi thế trên trường quốc tế. Đó là có sự kế thừa và phát huy, phát triển những truyền thống đã có.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa PGS.TS Trần Đức Cường, giai đoạn từ 1930 đến 1954 có khá nhiều sự kiện có thể rút ra những bài học quý về độc lập tự chủ, về bảo vệ và xây dựng Tổ quốc như thế nào? Những gì chúng ta có thể học được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh?

PGS.TS Trần Đức Cường: Tôi nghĩ kế thừa truyền thống chính trị, quân sự và ngoại giao của đất nước là một trong những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra và vận dụng vào việc lãnh đạo nhân dân ta, thực hiện sự kết hợp.

Trong lịch sử thời kỳ phong kiến độc lập của ta, nhà Tống, nhà Minh, nhà Nguyên, nhà Thanh đều đem quân sang xâm lược nước ta. Sau những trận chiến, chúng ta giữ được đất nước, thậm chí có lúc đánh cho họ những đòn quân sự hết sức mạnh mẽ.

Sau đó, những người lãnh đạo của đất nước chúng ta từ Nguyễn Trãi, Lê Lợi, sau này là Nguyễn Huệ cũng đều mang quan hệ bang giao để tắt lửa muôn đời chiến tranh. Chúng ta có được khoảng thời gian hòa bình hàng trăm năm mà vẫn có quan hệ hợp tác với người ta.

Cái quan trọng nhất là nói như Lê Thánh Tông, một tấc đất của Tổ quốc cũng phải giữ, kẻ nào đem dâng tấc đất cho giặc, để mất tấc đất đấy thì phải chu di, tức là tội này rất nặng. Chúng ta rất coi trọng độc lập, tự chủ và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở các thời kỳ.

Bài học ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy trong thời kỳ những năm tháng khó khăn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố với nhân dân trong nước và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ách thống trị của ngoại bang trên đất nước ta.

Khi ấy chúng ta chưa được một nước nào công nhận. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gần 2 triệu người chết đói, vừa phải diệt giặc đói cũng như diệt giặc dốt. Lúc bấy giờ lại thù trong giặc ngoài.

Lúc đó ngoại giao giữ vai trò rất quan trọng. Chúng ta đã có một chủ trương được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua là hòa để tiến, nghĩa là có những bước lùi, để 1 bước lùi hai bước tiến nhằm giữ được chính quyền. Bởi vì giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn.

Có lẽ những người lãnh đạo của đất nước lúc bấy giờ hết sức thấm nhuần chân lý này. Chính vì vậy, ngày 6/3/1946, để tạo điều kiện cho nhân dân, quân đội có thời gian chuẩn bị lực lượng để đương đầu với một cuộc chiến tranh khó tránh, thì chúng ta ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp để Chính phủ Pháp tạm thời công nhận nước Việt Nam là một nước tự do (chứ chưa phải là nước độc lập).

Nền độc lập ấy là một trong những giá trị vĩnh hằng của dân tộc mà chúng ta phấn đấu hết sức, bằng mọi cách để có được nên bấy giờ phải có một bước lùi như vậy. Sau đó, thực dân Pháp phá Hiệp định sơ bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký thêm một văn bản nữa là Tạm ước 14/9/1946.

Chính những cách xử lý như vậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tạo điều kiện cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng để rút ra bên ngoài, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Tôi nghĩ rằng, mũi đấu tranh về ngoại giao, coi ngoại giao là một trong những mũi tiến công để giành thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước còn được kế thừa cho đến mãi sau này.

Hiệp định Paris năm 1973 có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm”. Chưa có hội nghị nào về đối ngoại trên thế giới lại kéo dài hơn 4 năm như vậy, họp từ năm 1968 đến năm 1973 mới ký được Hiệp định.

Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tức là trước tất cả những thay đổi của kẻ địch, cái quan trọng nhất là phải giữ được độc lập bằng mọi giá. Độc lập, tự chủ thì chúng ta mới có thể có kháng chiến thành công.

Trong kháng chiến, chúng ta kết hợp giữa kháng chiến và kiến quốc. Tôi cho rằng đây cũng là khái niệm đúc kết từ lịch sử. Đất nước có mạnh mẽ, dân có an cư lạc nghiệp, lúc đó mới có thể dồn sức cho công cuộc giữ đất nước trước hiểm họa xâm lược.

Lịch sử luôn được kế thừa và trong thời đại này, từ năm 1945, mà rất nhiều người trong giới sử học gọi là thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy được tất cả những ưu thế đó, tránh được tất cả những gì có thể dẫn đến sai lầm như Hồ Quý Ly, như nhà Nguyễn... đã mắc phải.

{keywords}
 

GS.TS Vũ Minh Giang: Khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một chi tiết mà đôi khi trong phân tích tôi thấy chưa nói hết được ý nghĩa.

Đó là trước Cách mạng Tháng 8, không quân Mỹ ném bom các đơn vị của Nhật, trong đó có những vụ mà máy bay Mỹ bị bắn rơi. Tháng 10/1944, một viên phi công Mỹ rơi vào vùng Việt Minh của ta (lực lượng đang chuẩn bị giành chính quyền). Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tổ chức một cuộc rất công phu, đích thân đi cùng viên phi công đó sang Côn Minh gặp viên tướng, tư lệnh tập đoàn không quân 14 của Mỹ?

Nhiều người chỉ thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn có sự giúp đỡ của phía Mỹ. Tuy nhiên, không đơn giản như vậy. Chúng ta đọc kỹ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, có một câu: “một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh”. Đây chính là cử chỉ để viết được câu nói đó trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tức là tranh thủ Đồng minh lúc đó chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc nhưng mình muốn gắn mình vào sự nghiệp chống quân phiệt phát xít của Đồng minh. Việc mang viên phi công đó sang để diện kiến viên Tư lệnh tập đoàn không quân 14 của Mỹ là mang ý nghĩa đó. Về sau rất nhiều người bình luận đó là cái nhìn rất xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không có sự kiện đó, rất khó để chứng tỏ mình kiên cường đứng về phía Đồng minh ở chỗ nào.

Đây là chi tiết cho thấy từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài những bài học lớn, chúng ta học được cả những việc rất cụ thể mang ý nghĩa lớn như câu chuyện tôi vừa kể.

Chuyện thứ hai, đó là trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài cực kỳ phức tạp, một việc nhiều người khuyên Chủ tịch Hồ Chí Minh không nên là tiến hành Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946.

Việc này mang ý nghĩa rất lớn. Chúng ta giành được chính quyền nhưng chính danh chưa có. Chính quyền này phải được nhân dân bầu ra. Chúng ta giành được chính quyền bằng bạo lực cách mạng thì tốt rồi, nhưng chính quyền đó muốn có tính hợp Hiến, hợp pháp và được thế giới công nhận thì phải có Tổng tuyển cử.

Tôi rất thấm thía khi có một giáo sư Harvard viết cuốn sách về chính trị Việt Nam đã nói một câu rằng, các chính quyền cộng sản trên thế giới, không một chính quyền nào có thể so sánh về tính hợp pháp, hợp Hiến với chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Khi ấy, cụ Hồ được nhiều người khuyên, cụ đã có uy tín như thế, việc gì phải bầu cử, đương nhiên cụ là Chủ tịch. Nhưng cụ Hồ kiên quyết tiến hành bầu cử. Cuối cùng cụ được gần tuyệt đối phiếu bầu.

Như vậy, trước quốc dân đồng bào, trước thế giới là chính quyền do dân bầu ra. Những chi tiết đó chính là cách bảo vệ chính quyền do cách mạng giành lại một cách có tầm, không chỉ là trong nước mà còn quốc tế.

Đó là những bài học từ những việc rất cụ thể cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vượt xa tầm thời đại.

{keywords}
 

PGS.TS Trần Đức Cường: Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh có từ rất lâu rồi. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, cụ Hồ đã viết: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thêm điểm nữa là, Chính phủ mà chúng ta ra mắt vào ngày 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình lúc bấy giờ, cụ Hồ vẫn nói, đây là lâm thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lúc này chiến tranh vẫn tiếp diễn ở trong Nam Bộ. Nhiều đồng bào, đồng chí của chúng ta phải hi sinh trong cuộc bỏ phiếu bầu, tổ chức bỏ phiếu bầu cũng không phải ít xương máu, để đổi lấy một Chính phủ được nhân dân bầu ra từ Bắc chí Nam vào ngày 6/1/1946.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta vừa phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc và vừa xây dựng hậu phương lớn phục vụ tiền tuyến. Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được giải quyết thế nào?

GS.TS Vũ Minh Giang: Chúng ta đã có một chiến thắng chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu là Điện Biên Phủ. Nhưng, do rất nhiều tương quan trên thế giới, chúng ta chưa thống nhất được đất nước. Theo Hiệp định Genève năm 1954 đất nước chia làm 2 miền.

Đến Đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960), Đảng đã đưa ra phương hướng phải đồng thời tiến hành 2 chiến lược. Một là xây dựng miền Bắc xã hội Chủ nghĩa, hai là chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hai nhiệm vụ đó được tiến hành đồng thời. Đồng thời giương hai ngọn cờ nhưng có sự ưu tiên.

Giai đoạn từ sau 1954 đến trước 1965, chúng ta ưu tiên khôi phục miền Bắc, khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung vào việc xây dựng. Nhưng khi chiến tranh mở rộng đến cả những vùng chúng ta cho là hậu cứ an toàn là miền Bắc, lúc này nhiệm vụ ưu tiên không phải xây dựng nữa mà là dành tất cả sức lực cho miền Nam, cho tiền tuyến.

Chiến lược có những sự thay đổi, linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Thành công của chúng ta để sau này thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH, có được cơ đồ như hôm nay, chính là nhờ sự lãnh đạo rất kiên định mục tiêu nhưng linh hoạt trong sách lược.

Một mục tiêu nhưng mỗi giai đoạn có sự ưu tiên khác nhau. Giai đoạn đầu xây dựng kinh tế, phát triển miền Bắc, làm hậu phương sau này, có cơ sở cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Trước đây, trong thời kỳ kháng Pháp, chúng ta cũng có vùng hậu cứ, là vùng tự do. Nếu không có vùng tự do, chưa chắc chúng ta đã có chiến thắng Điện Biên Phủ. Vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh (vùng tự do) là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng ta dùng xe thồ chở nguồn lực lên cho Điện Biên Phủ.

Hai nhiệm vụ luôn luôn song hành ấy như là bài học mang tính quy luật của sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giữ đất nước cũng như xây dựng Tổ quốc. Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đều thể hiện rất rõ.

PGS.TS Trần Đức Cường: Tôi nhớ khoảng năm 1970, tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, đã đọc rất kỹ cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới” do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn viết.

Trong đó có một câu khiến tôi băn khoăn. Đó là: Chúng ta vừa thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Một là xây dựng và bảo vệ miền Bắc, hai là kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Trong đó cũng nói việc xây dựng hậu phương, xây dựng và bảo vệ miền Bắc có tác động quyết định nhất, còn cuộc kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ ở miền Nam có giá trị quyết định trực tiếp.

Sau này tôi càng nghĩ càng thấy đúng đắn. Phải xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm hậu phương, làm căn cứ cho cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước. Còn cái quyết định trực tiếp chính là đồng bào và chiến sĩ miền Nam thì chúng ta mới có trận quyết chiến chiến lược của mùa xuân năm 1975 và thống nhất được đất nước.

Đồng bào miền Nam đã có 21 năm chiến đấu gian khổ, nhưng rõ ràng sự chi viện của miền Bắc là cực kỳ quan trọng. Sức người, sức của, toàn lực chúng ta tập trung vào miền Nam, lương thực, thực phẩm, “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”.

Lúc bấy giờ, 2 triệu thanh niên trẻ khỏe ở miền Bắc đã vào bổ sung cho chiến trường miền Nam, chi viện, cùng tham gia với đồng bào, chiến sĩ miền Nam chiến đấu. Thóc có bao nhiêu chúng ta cũng chi viện hết khả năng của mình, dù lúc đó miền Bắc vẫn còn rất thiếu thốn.

Tôi nghĩ đó là sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn thể đất nước, toàn thể dân tộc vào sự nghiệp độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.

Sau này, trong cuốn sách của mình, ông Robert McNamara (Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ John Kennedy và Lyndon Johnson) đã viết: Chúng ta (nước Mỹ - PV) đã sai lầm, sai lầm nghiêm trọng là dùng lực lượng quân sự để chống lại cả một dân tộc, chống lại ý nguyện độc lập và thống nhất của cả một dân tộc, ý chí của họ, thì chúng ta không bao giờ đánh thắng được.

Tôi nghĩ rằng đấy là lời thú nhận muộn màng khi tất cả mọi việc đã rõ ràng.

Nhà báo Diệu Bình: Qua các kỳ Đại hội Đảng, hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được xác định cũng như có những điều chỉnh phù hợp ra sao, thưa PGS.TS Trần Đức Cường?

PGS.TS Trần Đức Cường: Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 cho đến nay, đường lối trong việc dựng nước và giữ nước càng rõ. Ngày nay, chúng ta phát triển trên cơ sở thực hiện hết sức mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong một tình hình thế giới đã có rất nhiều thay đổi.

Khi chúng ta tiến hành những Đại hội Đảng trước, Đại hội Đảng lần thứ III, thứ IV, thứ V, trên thế giới vẫn còn các cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng hiện giờ, thế giới không còn như xưa, không phải chiến tranh lạnh mà là thế giới nhiều cực, có sự tranh chấp về mặt chiến lược của rất nhiều cường quốc lớn trên thế giới.

Trong điều kiện như vậy, chúng ta đã có được sự điều chỉnh đường lối chiến lược rất xác đáng. Chúng ta xây dựng đất nước giàu mạnh dựa vào lực lượng của toàn dân, vào nội lực để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta xây dựng nền quốc phòng dần dần từng bước chính quy, hiện đại và có chiến lược phải là quốc phòng toàn dân.

Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ vượt qua được rất nhiều khó khăn thử thách và giống như Sách trắng của Bộ Quốc phòng những năm gần đây chỉ ra: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia...

Quan trọng nhất là chúng ta bảo vệ được Tổ quốc, đồng thời sống hòa thuận với các nước trên thế giới, trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền. Và chúng ta xây dựng được lực lượng vũ trang chủ yếu để tự vệ khi có những vi phạm chứ không chủ định tấn công ai.

Tất cả những đường lối đó chúng ta đang thực hiện hết sức tốt đẹp và từ đó an ninh chính trị, an ninh xã hội, trật tự xã hội được giữ vững.

Quy luật khách quan là “người thầy” khắc nghiệt nhất

Video:

Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, đến nay, những yếu kém, khuyết điểm trong điều hành kinh tế - xã hội trước Đổi mới đã nhiều lần được Đảng thẳng thắn chỉ ra. Theo ông, trong các nguyên nhân có nguyên nhân xuất phát từ việc say sưa trong chiến thắng vệ Tổ quốc khiến chúng ta lơ là nhiệm vụ xây dựng đất nước, trở nên lạc hậu và trì trệ trước yêu cầu thời đại hay không? Bài học rút ra từ đây là gì?

GS.TS Vũ Minh Giang: Say chiến thắng là bệnh dễ mắc sau mỗi lần chúng ta giành được chiến công chói lọi, nhất là phải đương đầu với một kẻ địch hung hãn, có sức mạnh khiến thế giới phải kiềng nể. Tôi nghĩ nước nào cũng bị “bệnh” đó.

Tôi nhớ có hai nhà sử học rất nổi tiếng của Pháp đã viết một bài trên báo Pháp trong đó có nói một ý rằng với nước Việt Nam bây giờ thì không nên viện trợ vật chất, bởi vì cho tiền họ tiêu hết, cho gạo họ ăn hết; tốt nhất là làm họ thức tỉnh, vì họ đang say chiến thắng, suốt này lễ lạt, mít tinh… Điều đó thỏa một cơn khát là bởi vì chúng ta chịu đựng những năm tháng gian khổ, cuộc kháng chiến phải hi sinh nhiều quá.

Từ bệnh say chiến thắng, chúng ta còn duy ý chí, chủ quan, cho rằng đã chiến thắng một kẻ thù hung hãn như thế thì việc gì chúng ta cũng làm được. Cách điều hành công việc lúc đó vẫn theo tư duy thời chiến - quyết làm gì là làm được ngay. Thế nhưng rõ ràng quy luật của thời bình, khi bước vào làm kinh tế cực kỳ khác với chiến tranh.

Ví dụ, trong chiến tranh, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, giật đổ nhà để lấy vì kèo, cột làm đường cho xe qua. Tôi đã có dịp đi qua Trường Sơn, những con đường độc đạo đó, nếu 1 xe chết tắc ở đó, xe khác không đi được, không có thời gian để dỡ đồ trên xe xuống, người ta cho nổ mìn giật tung xe tắc, cho xuống vực, để thông đường cho xe khác qua.

Quy luật chiến tranh là như thế, còn hòa bình không được phép vậy. Đó là một nguyên nhân dẫn đến chủ quan duy ý chí. Các quy luật làm kinh tế gần bị bỏ qua và áp dụng quy luật của chiến tranh.

Từ thực tế đó, chúng ta đã nhìn lại. Chúng ta đã phải trả giá và có những bài học lớn.

{keywords}
 

Bài học thứ nhất, đơn giản thôi, tôn trọng các quy luật khách quan. Làm kinh tế có quy luật của kinh tế, thị trường có quy luật của thị trường. Chúng ta dần dần được quy luật dạy cho là phải tôn trọng nó thì chúng ta sẽ thành công. Chúng ta đã khiêm tốn, đã cầu thị, đã học rằng những quy luật khách quan đó chính là người thầy khắc nghiệt nhất. Bài học lớn nhất là chúng ta không được duy ý chí mà áp đặt cái nọ, áp đặt cái kia.

Bài học thứ hai: Cần chú ý đến nhân dân. Nhân dân là “hàn thử biểu” để đo đường lối mình đang làm đúng hay sai, đang có vấn đề hay không… Nếu như chúng ta có sự tôn trọng ý nguyện của nhân dân, tôn trọng những lợi ích của nhân dân thì sẽ đi đúng hướng. Rõ ràng, công cuộc đổi mới là như thế.

Thời kỳ đời sống nhân dân khó khăn quá, các đồng chí lãnh đạo dần dần mới nhận thức ra rằng đang có vấn đề. Bởi vì đời sống của nhân dân, sự khổ cực của người nông dân, người công nhân là cảnh báo cho thấy đường lối cần phải có căn chỉnh, vì lợi ích của nhân dân. Bài học chúng ta đang nói đến chính là bài học lớn để có những quyết sách, đường lối chính xác.

Thứ ba, tôi thấy Đại hội Đảng XIII có một ý rất hay: Sự nghiệp xây dựng đất nước không chỉ của riêng người lãnh đạo mà của cả dân tộc này. Cho nên việc thắp lên hi vọng, khơi dậy cái khát vọng của nhân dân là bài học rất lớn. Khi chúng ta muốn thắng được những đế quốc hung hãn, rõ ràng là ý chí quyết tâm không hề lay chuyển là của nhân dân. Nếu chỉ có ý chí của lãnh đạo thì chưa đủ.

Đến nay, muốn xây dựng một đất nước hùng cường, phải khơi dậy cái khát vọng của nhân dân. Tôi cho rằng, một chủ trương lớn của Đại hội Đảng XIII là phải làm sao khơi dậy khát vọng của tất cả mọi người, kể cả từ người dân bình thường, cho đến người lãnh đạo.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa PGS.TS Trần Đức Cường, ở chiều ngược lại, nguy cơ quá tập trung xây dựng kinh tế, lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình có thể dẫn đến những hệ quả gì?

PGS.TS Trần Đức Cường: Hệ quả của nó chúng ta đã thấy rõ. Một trong những điểm xuyên suốt của lịch sử dân tộc, quy luật tồn tại và phát triển của đất nước là phải kết hợp một cách chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bây giờ, trong thời kỳ thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đứng trước yêu cầu là phải phát triển theo hướng bền vững, nghĩa là phải có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường.

Vấn đề này đã được nhắc đến trong rất nhiều văn kiện của Đại hội Đảng cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội. Chúng ta không mải say sưa vì tăng trưởng kinh tế mà quên mất nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường.
Nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, chính môi trường sẽ quay lại trả thù chúng ta.

Mới đây Hội nghị COP26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) đã diễn ra tại Anh quốc. Việt Nam là một trong những nước tham gia rất tích cực vào việc làm thế nào để bảo vệ môi trường sống cho nhiều tỷ người trên thế giới. Vấn đề môi trường không phải ảnh hưởng riêng một dân tộc nào mà nó ảnh hưởng đến tất cả các nước.

Phải làm thế nào để văn hóa – xã hội phát triển, xây dựng xã hội tốt đẹp, hài hòa nhất ở nhiều phương diện: An sinh xã hội, giáo dục, y tế… có sự tương ứng, phát triển hài hòa, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội. Không hi sinh lợi ích lâu dài của dân tộc, cuộc sống an bình của người dân, chạy theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Nếu thực hiện tốt, chúng ta sẽ có sự phát triển toàn diện, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, sau 35 năm đổi mới, thế và vận của đất nước đã thay đổi rất nhiều. Hiện nay, chúng ta đang phải xử lý những thách thức lớn nào từ nội tại cũng như từ bên ngoài trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

GS.TS Vũ Minh Giang: Chúng ta đang nói tới vấn đề vận nước đang đến, tức là đứng trước một cơ hội đổi thay theo chiều hướng đi lên. Chúng ta đã trải qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hay nói cách khác là dần đưa đất nước vào quỹ đạo đúng với quy luật cần có cho một quốc gia phát triển.

Nếu nhìn vào toàn bộ chiều dài phát triển của đất nước, tất cả những gì chúng ta chuẩn bị trong hơn 30 năm vừa qua giống như chúng ta đứng trước một vận hội cất cánh hay là ra biển lớn. Toàn bộ giai đoạn thực hiện chính sách đổi mới vừa qua là chuẩn bị một cơ sở hạ tầng, giống như chúng ta xây đường băng, học lái máy bay, mua máy bay tốt…

Tất cả những việc đó đó đều diễn ra trên mặt đất, là chúng ta chuẩn bị tất cả những tiền đề cho một việc lớn lao hơn, đó là cho máy bay cất cánh để đi vào thế giới với tư cách một đất nước đã đầy đủ các điều kiện để phát triển, có thể so sánh ngang hàng với các nước phát triển trên thế giới. Chúng ta hi vọng trong một ngày không xa, Việt Nam sẽ gia nhập với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao.

Có thể thấy rất rõ vận hội này, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như hiện nay. Nhưng luôn nhớ rằng một sơ suất nhỏ khi cất cánh là có thể dẫn tới những trục trặc, thậm chí là tổn thất lớn.

Vì vậy, đây chính là lúc chúng ta cần phải làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn theo kiểu cái này làm tiền đề cho cái kia. Tức là, nếu tập trung để có tăng trưởng kinh tế cao, để đuổi kịp chỉ số của các nước phát triển về kinh tế, có thể chúng ta sẽ lơ là công việc bảo vệ Tổ quốc, có thể ảnh hưởng đến việc chưa chú ý đúng mức đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho con cháu mai sau.

Đây chính là lúc cần phải có sự quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn nhưng cũng cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo hơn bao giờ hết, nhìn nhận thế nào để tất cả các nhiệm vụ này có mối quan hệ giao hòa, cân đối và hỗ trợ lẫn nhau.

Bởi vì trước giờ cất cánh ở thời điểm mà cả đất nước phát triển với tốc độ tốt hơn, những điều kiện khắt khe hơn, thì đây chính là lúc truyền thống cha ông cần được chắt chiu, cần được tạo ra những giá trị để chúng ta không những có thể kế thừa, mà còn phát huy ở tầm cao mới.

Giữ bản lĩnh dân tộc, hội nhập trong thế “chủ động”

Nhà báo Diệu Bình: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn, ở một tầm cao có tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Theo các ông, bối cảnh hội nhập này tạo ra những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức nào cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? Tôi xin mời PGS.TS Trần Đức Cường.

PGS.TS Trần Đức Cường: Khi hội nhập, chúng ta phải giữ được bản lĩnh của dân tộc. Phải hiểu đất nước, dân tộc, nhân dân cần cái gì, thì trên cơ sở đó, chúng ta thấy những giá trị hàng nghìn năm mà nhân dân ta theo đuổi là độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Những giá trị tinh thần của người Việt Nam phải được tôn trọng

Khi hội nhập, chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều điều có thể tiếp nhận, tiếp thu được từ tinh hoa văn hóa của nhân loại như chúng ta đã tiếp nhận trong hàng trăm, hàng nghìn năm qua. Nhưng cũng có những điều không phù hợp với dân tộc thì ta cũng phải biết cách xóa bỏ.

Trong thế giới luôn luôn biến động, chúng ta phải hết sức tỉnh táo để phân biệt được cái gì chúng ta cần và cái gì không cần tiếp nhận. Có đường lối đúng, có sự lãnh đạo đúng đắn, sự toàn tâm toàn toàn ý của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của người dân, vì lợi ích của nhân dân, đất nước sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa.

{keywords}
 

GS.TS Vũ Minh Giang: Khi hội nhập chúng ta cứ lo lắng không khéo mình sẽ mất bản sắc. Nhưng nghiên cứu lịch sử văn hóa, tôi nhận định rằng văn hóa Việt Nam khó mất lắm. Bởi vì, chúng ta đã bị đồng hóa ráo riết, bị nô dịch dữ dằn suốt hơn 1.000 năm mà không mất đi được bản sắc văn hóa, tự nhiên sẽ tạo ra được bản lĩnh Việt Nam mà không dễ gì mất được. Thế nhưng, làm phôi pha thì có. Nếu mình không ý thức được để nó tự phát thì nó phôi pha.

Nếu đặt vấn đề chúng ta phải làm thế nào trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thì hai chữ mà Đảng chỉ ra tôi cho rằng rất đúng, là phải “chủ động”. Hội nhập theo kiểu tự phát rất nguy hiểm. Nếu mọi người cho rằng bây giờ thế giới như nhau cả thì tự nhiên mình mất mình lúc nào không biết. Sự chủ động là rất quan trọng.

Chủ động là chúng ta phải xem xét lại, gia cố lại, lượng giá lại văn hóa Việt Nam. Có một thời kỳ chúng ta chú trọng đưa văn hóa ra nước ngoài giống như giới thiệu hình ảnh. Nhưng như thế cũng chưa đúng.

Sắp tới đây có Hội nghị toàn quốc về văn hóa, tôi rất mừng là Đảng nhìn thấy rất rõ vai trò tảng nền của văn hóa. Chúng ta phải làm sao để biến tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh. Lúc đó, văn hóa là khí cụ, nó tạo ra bản lĩnh của người Việt Nam, sự tự tin của người Việt Nam và biến những cái mình có thành cái thế giới không có thì tự nhiên ta có thế mạnh.

Nếu luôn luôn đi theo người ta thì chỉ làm học trò nhỏ suốt đời. Việt Nam phải làm sao đó, có được những giá trị mà có thể ngang hàng, sánh vai. UNESCO từng khuyến cáo, ý nghĩa của di sản văn hóa thế giới là anh tham gia vào thế giới với tư cách là anh, chứ không phải anh đem cái đó đi trưng khoe với mọi người.

Với ý nghĩa đó, tôi cho rằng, văn hóa là cái rất quan trọng trong việc làm sao đó để giữ gìn cái tôi, cái văn hóa của ta nhưng không phải là bảo thủ mà là phát huy thế mạnh của mình.

Thứ hai là về giáo dục. Hiện nay chúng ta đang tiến hành căn bản, toàn diện công cuộc đổi mới này Trong cái căn bản, toàn diện này là biến những cách học mà cứ chú ý về nội dung luôn luôn quá tải, lạc hậu… thành sự nâng cao năng lực của người học và trong đó phải coi trọng giáo dục về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bởi vì, cái đó chính là “căn cước” của mỗi người Việt Nam bước vào đời, bước vào thế giới, chứ không phải là mình trang bị những cái để rồi đi theo người ta.  Mà phải trang bị những cái của mình để khi hội nhập vào người ta vẫn là mình.

Tôi cho rằng, lịch sử và văn hóa là hai lĩnh vực rất cần được chú trọng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hiện nay.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, muốn xử lý tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay cần lưu ý những vấn đề gì để Việt Nam vừa có thể tích cực hội nhập, vừa giữ thế chủ động, độc lập?

GS.TS Vũ Minh Giang: Tôi muốn quay trở lại câu chuyện văn hóa. Tôi đã có dịp sang làm việc, giảng dạy tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và nhận thấy họ coi văn hóa như một lợi khí cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Thí dụ, khi nhận thức được người Nhật tụt hậu ở cuối thế kỷ thứ XIX, đã có một nhóm trí thức đưa ra lý thuyết là thoát Á nhập Âu, tức là từ bỏ châu Á để trở thành châu Âu.

Thậm chí, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Nhật Bản đưa ra kế sách bắt người Nhật học tiếng Anh từ lớp 1 cho đến Đại học, Tiếng Nhật chỉ để nói chuyện trong nhà thôi, ra trường học từ cấp 1 trở lên phải học tiếng Anh và cho đó là cách đi để có thể nhanh chóng hội nhập. Thế nhưng, kế hoạch đó phá sản và bị phản ứng bởi các nhà văn hóa, những trí thức – những người cho rằng văn hóa Nhật Bản không thể nào bỏ đi như thế.

Cuối cùng, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi đã dung hòa mọi thứ. Tư tưởng của ông ấy là “hòa thần, dương khí” – tức là học tập châu Âu nhưng coi đó là khí cụ, phương tiện thôi nhưng tinh thần phải là Nhật Bản. Nước Nhật hiện đại như vậy nhưng những giá trị truyền thống, văn hóa truyền thống họ rất trân trọng và đề cao.

Hàn Quốc cũng vậy, họ từng làm lên một kỳ tích sông Hàn ở thập niên 1960. Khi vừa bước ra khỏi chiến tranh, Hàn Quốc đói kém, nghèo khổ còn hơn Việt Nam rất nhiều. Vậy mà sau vài chục năm, họ đã đứng trong hàng ngũ các nước phát triển. Một trong những bài học mà họ hay nói tới là biết biến tất cả những gì người Hàn có thành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Với ý nghĩa này, tôi cho rằng mình đang chủ động hội nhập. Bên cạnh việc học tập quốc tế, chúng ta luôn luôn xem người Việt Nam mạnh cái gì.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hiện nay, đây chính là lúc chúng ta ở một tầm cao mới để khai thác các giá trị, di sản văn hóa, biến nó thành tài nguyên, thành lợi khí. Bên cạnh những việc đang làm, nếu chúng ta có chiều sâu trong khai thác những di sản văn hóa này, chúng ta sẽ đảm bảo việc hội nhập vững vàng, phát huy được lợi thế.

{keywords}
 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, chúng ta cần làm gì để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong bối cảnh hiện nay? Làm sao giải quyết tốt mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế và độc lập, tự chủ về quốc phòng, an ninh?

GS.TS Vũ Minh Giang: Chúng ta có một phương châm rất đúng đắn là muốn làm bạn với tất cả các nước. Câu đó không chỉ nói về mặt hình thức mà thực sự là như thế. Bây giờ trên thế giới có rất nhiều khuynh hướng khác nhau, cái khó là với những người có khuynh hướng khác nhau, thậm chí thù ghét nhau mà mình vẫn có thể làm bạn với tất cả các nước. Đó chính là nghệ thuật, chứ không phải một câu nói cho hay.

Thế nhưng, ở đây vẫn có 1 tiêu chí, làm bạn ở mức độ khác nhau, đó là tiêu chí lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc của chúng ta có được bảo vệ hay không, không phải tôi chơi với anh, anh lại chơi tôi về lợi ích dân tộc, thì tôi lại phải cảnh giác với anh.

Để tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, đồng thời để xây dựng Tổ quốc, thì phải mở rộng cái quan hệ làm bạn với tất cả các nước nhưng luôn luôn phải lấy cái bất biến như một thước đo, để xem mức độ mà làm bạn đến đâu. Đó là quan hệ của ta có làm phương hại đến lợi ích quốc gia hay không? Đến chủ quyền của đất nước hay không? Đấy chính là bài toán đặt ra cho chúng ta hiện nay.

Khơi dậy và trao truyền khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

Nhà báo Diệu Bình: Thưa PGS.TS Trần Đức Cường, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay? Làm sao để quy tụ và phát huy sức mạnh này?

PGS.TS Trần Đức Cường: Có câu nói: “Yêu nhau không phải nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng”. Làm thế nào để tạo điều kiện và hướng trăm triệu người Việt Nam ở trong nước lẫn ở nước ngoài cùng hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh về mọi mặt. Điều này chúng ta đã có bài học lịch sử.

Khi Việt Nam tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng so sánh giữa hai bên rất chênh lệch. Nhưng nhờ ý chí độc lập, Tổ quốc trên hết, chúng ta có được chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi ở khắp các chiến trường để buộc Pháp phải ký Hiệp định đình chiến và đồng ý rút quân khỏi Việt Nam.

Cũng với ý chí độc lập và thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc, chúng ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và thu giang sơn về một mối, để có quốc gia thống nhất.

Giờ đây, khi chúng ta cần đạt tới mục tiêu là huy động được sức mạnh của toàn thể dân tộc vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay, tôi nghĩ đó chính là điểm mấu chốt nhất của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa các vị khách mời, có thể nói lòng yêu nước nồng nàn chính là một nguồn sức mạnh to lớn đưa dân tộc vượt qua vô vàn thử thách để gìn giữ, xây dựng cơ đồ đất nước. Theo các ông đâu là những đặc điểm chính trong tư tưởng yêu nước thời kỳ phong kiến độc lập? Trong đó có điểm gì hạn chế việc quy tụ sức mạnh toàn dân tộc vào công cuộc dựng và giữ nước không? Chẳng hạn tư tưởng gắn yêu nước với trung quân?

PGS.TS Trần Đức Cường: Tinh thần yêu nước, sau này phát triển thành Chủ nghĩa yêu nước của người Việt thể hiện trong hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi một thời đại có một cách thể hiện khác nhau.

Có một thời kỳ phong kiến, chúng ta bị ảnh hưởng của Nho giáo gọi là “Trung quân, ái quốc”. Nhưng thực ra đối với người Việt Nam không nặng nề như nơi sản sinh ra Nho giáo, mà “trung quân” là trung với nước, chứ không mù quáng, ông vua chỉ là biểu tượng. Chúng ta ít có câu chuyện lịch sử mà người ta có thể chết vì ông vua nào đó, nhưng những tấm gương có thể hi sinh bản thân, hạnh phúc và gia đình vì đất nước... lại rất nhiều.

Tư tưởng này, chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam chính là cái hành trang chúng ta có được trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm vừa qua.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã biết phát huy được chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam, để đối chọi với cả sự bạo lực, cường lực của các thế lực xâm lược nước ta. Tôi nghĩ, chủ nghĩa yêu nước chính là cái sức mạnh, tạo nên sức mạnh nội lực của người Việt Nam, để chúng ta vượt qua mọi khó khăn.

Tinh thần tự lực, tự cường của thời hiện đại là tiếp thu sự tự lực, tự chủ của người dân Việt Nam trong những thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, bị phong kiến hay các nước tư bản phương Tây xâm lược.

GS.TS Vũ Minh Giang: Tôi đồng ý với ý kiến của PGS.TS Trần Đức Cường, phải coi lòng yêu nước, sau này là chủ nghĩa yêu nước, là bảo vật của dân tộc đã được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài.

Mỗi khi cần đến sức mạnh của toàn dân, tinh thần yêu nước đó tạo thành một lực, một sức mạnh vô địch và vô biên. “Vô địch” là bởi khó một thế lực nào có thể thắng được lòng yêu nước của người Việt Nam. Còn “vô biên” là bởi vì nó lớn đến mức mà người nước ngoài không hình dung được.

Ban nãy chúng ta có nhắc đến ông Robert McNamara, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện gắn với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1995, có một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi hội đàm với nhau, ông Robert McNamara có nói một câu mà về sau ông ấy đã viết trong sách: Chúng tôi mà biết người Việt Nam thế này thì không có chiến tranh Việt Nam.

Tức là ông ấy không ngờ chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam mạnh đến vậy và như thế, vũ khí, sắt thép, bom đạn, B52 không là gì với lòng yêu nước của người Việt Nam. Đó chính là bảo vật của dân tộc này. Thế nhưng cũng có lúc những người làm chính trị không nhận thức hết hoặc là không đánh giá đúng, do đó đã lơ là coi nhẹ.

Nói về Triều Nguyễn, trong nhật ký của nhà sử học Trần Huy Liệu có câu: Một trong 5 nguyên nhân mất nước là vì triều đình sợ dân hơn sợ giặc. Triều đình là chính quyền mà lại sợ dân hơn sợ giặc là một trong những nguyên nhân mất nước vì mất đi sức mạnh, mất đi lòng yêu nước của người dân.

Thế nhưng, lòng yêu nước của người dân rất kỳ lạ. Đó là khi thấy triều đình không còn dựa vào sức mạnh của nhân dân, nhân dân lại đi tìm những người có tư tưởng yêu nước để đứng dưới cờ, khi triều đình khinh dân thì dân đi với những người yêu nước.

Hay như khởi nghĩa Tây Sơn, ban đầu là cuộc nổi dậy của nông dân, lực lượng cũng không phải nhân dân đông đảo. Nhưng khi phong trào đứng lên gánh nhận sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, vì lợi ích của dân tộc, thì người theo rất đông, nhất là sau khi đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh, đã trở thành một phong trào dân tộc và nhân dân ủng hộ mạnh mẽ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chủ nghĩa yêu nước được nâng lên tầm cao mới, được chui rèn và bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ nâng niu, phải chắt lọc để làm sao chủ nghĩa yêu nước đó thể hiện ở những lĩnh vực khác nhau, thậm chí là cả trong bóng đá.

Việt Nam có nguồn năng lượng rất dồi dào, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước, ý thức vì lợi ích của dân tộc.

{keywords}
 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa PGS.TS Trần Đức Cường, thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng trước cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn hơn cha anh rất nhiều, cùng với đó là nhiều mối quan tâm, lựa chọn mới. Không ít người lo ngại giới trẻ đang thờ ơ hơn, thậm chí có cả sự vô cảm đối với ngay cả những vấn đề của đất nước, dân tộc. Theo các ông điều này có đúng không, và để bồi đắp lòng yêu nước của lớp trẻ cần có những biện pháp nào?

PGS.TS Trần Đức Cường: Tôi không nghĩ rằng giới trẻ lại vô cảm hay là không quan tâm đến lợi ích và sự phát triển của đất nước. Chúng ta cũng phải nói rằng, các thế hệ sống trong mỗi thời kỳ lịch đều nhận lãnh những trách nhiệm làm thế nào để thực hiện được công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đây, nếu nói về thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta có nhiều thế hệ, nhiều lứa các vị lão thành cách mạng đã tiến hành cuộc cách mạng hết sức gian khổ, nhiều hi sinh để giành được độc lập cho Tổ quốc.
Sau đó, đến những thế hệ sau tiếp nối thì nhiệm vụ là bảo vệ đất nước, chống thực dân Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành được giang sơn mà chúng ta có từ năm 1975 cho đến ngày hôm nay.

Còn bây giờ, chúng ta phải cố gắng hết sức để làm sao vượt qua những khó khăn gian khổ trong bối cảnh quốc tế cũng như tình hình trong nước để có thể phát triển đất nước toàn diện. Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ bây giờ rất thông minh, họ có rất nhiều điều kiện trong việc học tập kinh nghiệm cũng như khoa học kỹ thuật của các nước khác.

Lúc nãy, GS.TS Vũ Minh Giang có nói đến bài học về Nhật Bản, khi người ta tiến hành duy tân, họ tiếp thu kỹ thuật phương Tây nhưng trên tinh thần Nhật Bản thì mới phát triển được. Tôi muốn nói lại, chúng ta tiếp thu cái tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị, hay là những phát minh sáng tạo của thế giới trong Cuộc cách mạng lần thứ 4 này nhưng trong tinh thần của người Việt Nam, để chúng ta có tự chủ, có sự chủ động trong phát triển. Tôi tin rằng, thế hệ trẻ họ sẽ làm tốt cả hai nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc và bảo vệ đất nước.

GS.TS Vũ Minh Giang: Tôi xin bổ sung ý kiến của PGS.TS Trần Đức Cường. Người lớn tuổi cứ hay lo lắng là thế hệ trẻ bây giờ có biết được lịch sử cha ông hay không... Lo lắng đó có cái lý của nó.

Thế nhưng lại có một chiều kích khác, đó là đất nước này từng bị đô hộ, từng bị cai trị, có khi hàng nghìn năm mà bản sắc văn hóa có bị mất đâu. Cái đó nó ở đâu? Nó ở trong máu của người dân Việt Nam.

Tôi tin, bây giờ các em có thể thích nhạc Rock, nhạc Pop… nhưng trong máu, trong huyết quản của các em vẫn là huyết quản của người Việt Nam. Vì vậy, tôi tin vô cùng, tương lai của đất nước, của dân tộc nằm trong tay tuổi trẻ, chứ không nằm trong tay những người đã luống tuổi, đã già.

Vậy thì cái gì sẽ là mẫu số chung cho tất cả mọi người Việt Nam, trong đó đặc biệt là giới trẻ? Đó là khát vọng để có một đất nước Việt Nam hùng cường. Ta truyền cái khát vọng đó cho tuổi trẻ, họ sẽ có cách của mình để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tư tưởng của Đại hội Đảng lần thứ XIII là muốn khơi dậy cái khát vọng của nhân dân là một chủ trương đúng đắn của Đảng.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều người thế hệ trẻ, có người là cử nhân tài năng, có người là thủ khoa... họ đều có chung một khát vọng đó.

Câu chuyện chúng ta đang bàn ở đây là làm sao truyền tới tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ một khát vọng, để làm sao chúng ta từ tài năng, từ những mong muốn của mình chung sức xây dựng một đất nước có vị thế cao trên trường quốc tế, trở thành một nước phát triển. Khát vọng đó sẽ liên kết tất cả lại với nhau.

PGS.TS Trần Đức Cường nói rất đúng, đoàn kết, thương yêu là nhìn cùng về một hướng. Hướng đó chính là xây dựng một đất nước hùng cường. Tôi cho rằng đó là một khát vọng có thể tập hợp được tất cả người Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Một khía cạnh nhỏ nữa, yêu nước cũng là làm sao để không phương hại đến uy tín của quốc gia. Tôi xúc động vô cùng khi nhớ đến Nguyễn Trường Tộ - người có tư tưởng cải cách cuối thế kỷ thứ XIX. Ông đi khắp nơi và nhận thấy nước ta là ly kỳ đệ nhất, đóng cửa tự hào là muốn chê vua quan cuối triều Nguyễn. Nhưng đồng thời ông khẳng định: Thần đi đến đâu cũng không một chút làm ảnh hưởng đến đất nước. Ông bảo vệ danh dự của Tổ quốc đến mức độ đó.

Tôi cho rằng, cái đóng góp nhỏ và trước hết là mỗi người, nhất là tuổi trẻ có thể làm được là đừng làm gì ảnh hưởng đến danh dự của đất nước, đừng làm gì để mang tiếng thanh danh của Tổ quốc.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa quý vị và các bạn, trong phạm vi có hạn của một cuộc tọa đàm, các khách mời đã chia sẻ và làm sáng tỏ những câu chuyện, những khía cạnh quan trọng trong truyền thống dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia cùng báo VietNamNet. Cảm ơn độc giả đã lắng nghe.

VietNamNet (thực hiện)