Có thể nói một trong những thế mạnh của tỉnh Lào Cai là có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ của văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Do đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn được tỉnh quan tâm và xác định các giá trị văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các DTTS.

Tôn tạo nhiều di tích lịch sử

Theo đó, công tác trùng tu tôn tạo bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể được tăng cường đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu về cảnh quan, sinh thái. Tỉnh đã thực hiện trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa như: Đền Trung Đô xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), Đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), Đền Mẫu Sơn (huyện Sa Pa), Đền Chiềng Ken (huyện Văn Bàn), di tích chiến thắng Đồn Phố Lu (huyện Bảo Thắng)...

Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích sau khi trùng tu, tôn tạo được các phương tiện truyền thông triển khai rộng, thường xuyên, qua đó góp phần thu hút du khách đến tham quan.

Hàng trăm hiện vật đã được sưu tầm, gồm các di vật, hiện vật về lịch sử, trang phục, đồ trang sức truyền thống, công cụ sản xuất, nhạc cụ và công cụ trong hoạt động tín ngưỡng của các người Bố Y, Pa Dí, Xá Phó, La Chí, Hà Nhì... phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ và trưng bày, quảng bá về lịch sử, văn hóa, tự nhiên tại Bảo tàng tỉnh.

Song song với đó, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cũng tiếp tục được triển khai thực hiện thường xuyên.

Tỉnh đã hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tại 500 làng, bản, góp phần nhận diện các di sản văn hóa có giá trị để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới.

Đã hoàn thành việc lập hồ sơ của 16 di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 01 hồ sơ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.

{keywords}
Trò chơi thi kéo co của đồng bào dân tộc Lào Cai

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các nghi lễ truyền thống như: Nghi lễ Quét làng đầu năm của người Xá Phó, Lễ Quét làng dân tộc Bố Y, Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày, Tết Cơm mới dân tộc Giáy, Lễ Cầu thọ “Ta pao phù” của người Bố Y, Lễ hội cúng rừng của người Pa Dí (huyện Mường Khương)...

Sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc có nguy cơ mai một cao như: Người Mông đen tỉnh Lào Cai; người Thu Lao, người Nùng Dín huyện Mường Khương; người Mông xanh (huyện Văn Bàn); Sưu tầm di sản phi vật thể người Dao họ tỉnh Lào Cai; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa của người Xá Phó huyện Sa Pa, nghệ thuật hát đồng dao của dân tộc Bố Y huyện Mường Khương, Hội Hát qua làng của người Dao tuyển huyện Bảo Thắng, nghệ thuật múa Khèn dân tộc Mông tỉnh Lào Cai.

Tính đến tháng 12/2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao...  Trong đó, di sản “Kéo co nghi lễ dân tộc Tày, Giáy” nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm 4 nước: Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) và hồ sơ “Nghi lễ Then dân tộc Tày” nằm trong Hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Về bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc: Thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao. Có 28 lớp dạy tiếng truyền khẩu trong đó 04 lớp dạy tiếng Bố Y, 24 lớp dạy tiếng Phù Lá (Xá Phó).

Phát huy văn hóa truyền thống qua bảo tồn lễ hội

Công tác quản lý, tổ chức và phục dựng lễ hội được triển khai theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với thuần phong mĩ tục, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Mặt khác, gắn kết được các hoạt động văn hóa với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và của Lào Cai nói riêng, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai có gần 30 lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu như Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Giáy, Tày, Nùng, Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, huyện Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa và huyện Si Ma Cai; Lễ hội Pút Tồng (tết nhảy) dân tộc Dao; Hội Hát giao duyên dân tộc Dao, hội Xòe dân tộc Tày - huyện Sa Pa...

{keywords}

Đền Mẫu Sơn, Sapa  

Một số lễ hội còn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự, khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, như lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ huyện Bắc Hà, lễ hội Gầu Tào của người Mông ở huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai...

Chất lượng hoạt động văn hóa, trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được nâng cao thường xuyên. Tỉnh thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, lập danh sách đội văn nghệ tiêu biểu thôn, bản thuộc các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã phục vụ hoạt động du lịch, các đội văn nghệ giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc có nguy cơ mai một cao để trình ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động khi chính sách được phê duyệt.

Giai đoạn 2016 - 2020, đã xây dựng được 15 đội văn nghệ thôn, bản từ nguồn ngân sách tỉnh làm mô hình thí điểm để triển khai nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai bồi dưỡng nâng cao nhận thức và nghiệp vụ cho 240 lượt người làm công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa văn nghệ của tỉnh; tập huấn nghiệp vụ cho 400 lượt cán bộ văn hóa xã, trưởng thôn, bản, người quản lý nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố.

Phạm Bắc
Ảnh: Đàm An