Vấn đề phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của Việt Nam. Hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện và quá trình thực thi đã tạo ra những thành tựu lớn, giúp làm thay đổi căn bản đời sống của DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng.

Công tác xây dựng khung khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ được chú trọng với Luật BĐG năm 2006, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020. Bên cạnh đó là một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS như Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2025;…

Những năm qua, tại nhiều địa phương, các cấp ủy, chính quyền cũng luôn quan tâm thúc đẩy công tác bình đẳng giới trong đồng bào DTTS. Chẳng hạn tại Quảng Trị, một tỉnh mà đồng bào DTTS hiện có hơn 87.000 người, chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh, trong đó nữ có khoảng trên 43.000 người.

{keywords}

Phụ nữ DTTS Quảng Trị với nghề truyền thống 

Đa dạng các hình thức, đối tượng tuyên truyền

Bằng các hình thức phù hợp, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS; vận động đồng bào phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục vận động xây dựng đời sống văn hóa, gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc; phòng chống bạo lực gia đình gắn với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Các hoạt động triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là tại các địa bàn triển khai trực tiếp của Chương trình 135.

Hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới được Quảng Trị thực hiện lồng ghép thông qua việc triển khai thực hiện các đề án, dự án như: Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2021”, Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027, v.v...

Các mô hình điểm như “Địa chỉ tin cậy - Nhà cộng đồng tạm lánh”, các quy ước, hương ước được đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới đã phát huy hiệu quả cao trong giáo dục, tuyên truyền vận động về Bình đẳng giới.

Nhờ đó, các vấn đề giới nổi cộm như bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực trên cơ sở giới tại trường học, cộng đồng ở vùng DTTS và miền núi Quảng Trị trong các năm từ 2018 - 2021 không xảy ra. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm rất nhiều so với thời gian trước, năm 2020 giảm khoảng 32% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng chú trọng đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào các trường lớp bán trú, dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các Hội thi tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường THCS và dân tộc nội trú xã, cụm xã vùng biên giới, vùng DTTS, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Chỉ đạo xây dựng phóng sự và clip tuyên truyền về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng 02 ngôn ngữ nói (tiếng phổ thông, tiếng Vân Kiều) phát trên sóng truyền hình tỉnh, đồng thời thu nội dung vào 136 thiết bị USB cung cấp đến toàn bộ các xã, 45 trường học, 09 Đồn Biên phòng tuyến biên giới vùng DTTS để làm phương tiện tuyên truyền...

Kết quả có 100% các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền về kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp.

Về mặt đào tạo cán bộ, nhân sự, tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn/450 học viên cho cán bộ Đoàn/Hội Liên hiệp Thanh niên cấp xã, thôn bản vùng DTTS, cộng tác viên thôn bản (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín).

Các nội dung được đưa vào tập huấn khá đa dạng: Kỹ năng tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giới thiệu và phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Bình đẳng giới, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)...; ngày 8/3, 20/10; Tháng hành động quốc gia Phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Kết quả có 100% cán bộ công chức làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện; 80% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và người có uy tín trong đồng bào DTTS được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.

{keywords}

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đồng bào DTTS tạo điều kiện để chị em vươn lên thoát nghèo bền vững 

Nâng cao vị thế trong lĩnh vực kinh tế, chính trị

Nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, Quảng Trị tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng, phổ biến nguyên tắc thực hiện, tỷ lệ nữ tham dự lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, họp thôn bản.

Cùng với đó, hỗ trợ giúp phụ nữ người DTTS đổi mới tư duy về làm ăn phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn; huy động nguồn vốn chính sách xã hội tín chấp cho phụ nữ vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi; huy động các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các mô hình sinh kế.

Tại các địa bàn triển khai thực hiện Chương trình 135, phụ nữ người DTTS được tiếp cận phương pháp giảm nghèo hiệu quả và được nâng cao năng lực, tham gia trong các hợp phần của Chương trình theo quy định, bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình.

Mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị cũng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ngày càng có nhiều nữ cán bộ, công chức người DTTS được đào tạo kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu công việc; tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp ngày càng tăng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 51 người, trong đó có 7 cán bộ nữ, 1 cán bộ nữ là người DTTS. Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII có 15 người, trong đó cán bộ nữ có 3 người, cán bộ nữ DTTS có 1 người. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Quảng Trị bầu được 6 đại biểu, trong đó nữ DTTS có 1 đại biểu, v.v...

Thu Hiền
Ảnh: Đàm An