Tổng kết 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, sau 5 năm thực hiện Quyết định, các chỉ tiêu của mục tiêu phát triển bền vững đề ra như: Phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số đã đạt hoặc vượt tỷ lệ tăng bình quân đặt ra.

{keywords}

Hầu hết các tỉnh vùng DTTS&MN đạt tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi trên 94%. 

Cụ thể, đối với mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nếu tính theo vùng thì cao nhất là khu vực Đông Bắc, đạt 99,906%. Thấp nhất là khu vực Tây Nguyên, đạt 97,893%. Nếu tính theo dân tộc, hầu hết các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi trên 94% và đạt mức tăng trưởng bình quân 0,5%/năm, là chỉ số đạt và vượt chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2020. Đáng chú ý, có tới 50/53 dân tộc thiểu số đạt và vượt chỉ tiêu, 7 dân tộc thiểu số rất ít người đạt 100%.

Đối với chỉ tiêu về hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tính đến năm 2020, tất cả các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã vượt chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Nếu tính chung cả nước thì tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đối với học sinh dân tộc thiểu số đạt 99,3%, vượt 5,3% so với chỉ tiểu đề ra là 94%. Cùng với đó, chỉ tiêu đến năm 2020 có 92% số người dân tộc thiêu số từ 15 - 60 tuổi biết chữ thì đã có 6 vùng đạt và vượt chỉ tiêu, 2 vùng chưa đạt chỉ tiêu.

Đối với mục tiêu tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số, báo cáo cho thấy tỷ lệ biết chữ của phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15 - 60 tuổi tính theo vùng đạt từ 86,855% - 98,699%. Tỷ lệ này so với mục tiêu đề ra cho năm 2020 là trên 80% thì việc thực hiện chỉ tiêu này trên toàn quốc và ở tất cả các vùng đã vượt yêu cầu. 

Quyết định 5596/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 đề ra một số mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu từ năm 2016 - 2020

- Mục tiêu 1: Phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ đối với các dân tộc thiểu số

Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học của từng dân tộc thiểu số trên 94%;

Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học của từng dân tộc thiểu số trên 94%;

Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ người từ 15 tuổi đến 60 tuổi biết chữ của từng dân tộc thiểu số trên 92%.

- Mục tiêu 2: Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số

Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ mù chữ của phụ nữ của từng dân tộc thiểu số dưới 20%;

Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số (trong tổng số học sinh dân tộc thiểu số) ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên 45%.

Phấn đấu bình quân các chỉ tiêu tăng hoặc giảm từ 0,5 đến 1%/năm.

b) Định hướng đến năm 2025

- Mục tiêu 1: Phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ đối với các dân tộc thiểu số

Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học của từng dân tộc thiểu số trên 97%;

Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học của từng dân tộc thiểu số trên 97%;

Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ người từ 15 tuổi đến 60 tuổi biết chữ của từng dân tộc thiểu số trên 98%.

- Mục tiêu 2: Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số.

Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ mù chữ của phụ nữ của từng dân tộc thiểu số dưới 10%;

Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số (trong tổng số học sinh dân tộc thiểu số) ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 50%;

Phấn đấu bình quân các chỉ tiêu tăng hoặc giảm từ 0,5 đến 1%/năm.

Văn Bắc
Ảnh: Hải Anh