Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế-kỹ thuật.

Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…; 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Việt Nam - thành viên tích cực của APEC

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur (Malaysia); đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của Việt Nam.

APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch.

13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán/chờ phê chuẩn là với thành viên APEC; trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.

Trong gần 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

Cùng với đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế, nhóm công tác chủ chốt.

Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.

Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040.”

Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao. Các doanh nghiệp Việt đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng APEC.

Trong bối cảnh COVID-19, tích cực tham gia, đóng góp vào nỗ lực chung quá trình phát triển của APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vaccine, bảo đảm phân phối, tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Tích cực thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững

Sáng 18/11, Hội nghị lần thứ 29 các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc tại Bangkok, Thái Lan, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Tại phiên "Tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững" thuộc hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng. Xin trân trọng đăng tải:

Thưa Ngài Chủ toạ,

Thưa Quý vị, 

1. Tôi vui mừng gặp lại các nhà Lãnh đạo kinh tế APECsau ba năm gián đoạn bởi đại dịch. Tôi chân thành cảm ơn Ngài Thủ tướng Pra-dút Chan-o-cha, Chính phủ và nhân dân Thái Lan về sự đón tiếp nồng hậu và công tác chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị và đón tiếp chúng tôi nồng hậu, chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị. 

2. Thế giới của chúng ta đang chứng kiến những biếnđộng sâu sắc, mang tính lịch sử, với nhiều yếu tố bất định, khó lường. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt, xung đột địa chính trị, nguy cơ suy thoái kinh tế,…khiến các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc về chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ngày càng khó khăn.

Diễn đàn APEC của chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Chính vì vậy, những gì chúng ta thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC và cho nhiều thế hệ mai sau. 

3. Một châu Á - Thái Bình Dương (TBD) hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu, là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của tất cả các nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển.Theo đó, các thành viên APEC cần vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, phối hợp hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, để bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong ba thập kỷ qua, đồng thời củng cố nền tảng cho hợp tác và phát triển trong tương lai. 

Thưa tất cả Quý vị, 

4. Châu Á – TBD đang bước vào giai đoạn phát triển mới đòi hỏi cách tiếp cận cân bằng hơn và toàn diện hơn. Tôi hoan nghênh chủ đề APEC 2022 là: “Rộng mở - Kết nối - Cân bằng”. APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công. Từ thực tiễn Việt Nam, tôi nhấn mạnh một số yếu tố “cân bằng” trong hợp tác gồm:

Thứ nhất là coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực,giữa các thành phần xã hội; và cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực. Mục tiêu là chung, nhưng các biện pháp cụ thể phải được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của mỗi nơi. 

Thứ hai là cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế để vừa phát huy nội lực, phát huy lợi thế so sánh vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan toả giữa các vùng các miền. 

- Thứ ba là cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao về kinh tế nhưng giảm thiểu tác động, xáo trộn đến an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng. 

- Chúng ta chỉ có thể hợp tác thành công khi cùng nhau mở ra các cơ hội tiếp cận cân bằng và rộng mở các nguồn vốn và công nghệ sạch, hiện đại. 

Là thành viên có trách nhiệm, tích cực trong ASEAN, thành viên APEC, Tôi đánh giá cao sáng kiến của Thái Lan về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn – xanh (BCG). Tôi cũng hoan nghênh nhiều sáng kiến mới được các thành viên APEC đưa ra nhằm hỗ trợ tài chính cho phát triển, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số.

Đây là minh chứng điển hình cho nỗ lực mạnh mẽ của APEC vì phát triển bền vững, bao trùm tại khu vực cho sự phát triển của mọi người, kể cả vật chất, tinh thần, văn hoá, giáo dục, nhất là người yếu thế, người nghèo. 

Thưa Quý vị,

5. Trong chiến lược phát triển 10 năm tới, Việt Nam tập trung nguồn lực để chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với người dân là trung tâm, chủ thể và mục tiêu cao nhất của phát triển. Chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện COP26 với mục tiêu 2050 nền kinh tế các bon bằng 0 và mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các thành viên APEC.

Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các thành viên APEC để đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế vì một Châu Á – TBD hòa bình, ổn định, mở, năng động, tự cường.