Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn 3 mô hình xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 2 mô hình cấp tỉnh là xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình và 1 mô hình cấp Trung ương là xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.

Hiện tại, các địa phương này đã đáp ứng các tiêu chí: Ứng dụng chuyển đổi số phát triển kinh tế; có mô hình kinh tế tự động hóa trên 80%; có hạ tầng Internet băng rộng (cáp quang) và thông tin di động đến tất cả các thôn trong xã...

Ngoài ra, trong các giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang xác định phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp…

Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách ra đời đã góp phần tạo điều kiện cho các địa phương đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 44,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, tiêu chí bình quân đạt 15,51 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 09 tiêu chí. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 62/122 xã, chiếm 50,81%.

Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư xây dựng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Tuyên Quang hiện có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử…

Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã của Tuyên Quang được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của các nền tảng số như Google, Youtube, Facebook...

Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào thành công trong xây dựng nông thôn mới thông minh của Tuyên Quang.

Quỳnh Nga