Họ đã học được và vượt lên những hạn chế của nền giáo dục thuộc địa

Theo Nhà Sử học Dương Trung Quốc, thế hệ vàng của đất nước được hưởng một nền Quốc học rất căn bản, cho dù đến đầu thế kỷ thứ 20, nền Quốc học bắt đầu đứng trước nhiều thử thách và bị khủng hoảng do chế độ thuộc địa, nhưng về căn bản nó vẫn được duy trì cả trên lĩnh vực kiến thức và đạo lý. Quan niệm về dạy học là dạy làm người. Nền Quốc học lại được trải qua một thời kỳ của phong trào Duy Tân, là những trí thức yêu nước muốn hướng tới học hỏi cái mới. 

Trong bối cảnh ấy, thế hệ này lại được tiếp nhận nền văn minh phương Tây một cách khá căn bản, tinh thần là khoa học và dân chủ. Họ đã học được và vượt lên trên cái ràng buộc và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa.

Nền giáo dục và văn hóa Pháp, bên cạnh mục tiêu thực dân, là cả một nền văn minh. Chính nền văn minh ấy kích thích tinh thần dân tộc của họ vì họ nhận ra chân giá trị của nền văn hóa Pháp lại phục vụ cho chính sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái rất thu hút. Chính thực dân Pháp cũng nói: con đường đi sang nước Pháp là con đường chống lại nước Pháp. Vì thế, bản chất nền văn minh lại trái ngược với mục tiêu thực dân.

Hai tố chất ấy lại được tồn tại trong một môi trường thúc giục của tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc. Nó rơi vào thời điểm lịch sử là cuộc vận động giải phóng dân tộc VN, và đương nhiên ta phải nói tới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Quốc dẫn chứng, bên cạnh cụ Vũ Đình Hòe là đông đảo những trí thức tương tự như ông, đã tham gia vào trào lưu phát triển của đất nước, trở thành những người chiến sĩ giải phóng dân tộc, nòng cốt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di...

{keywords}
Một trong những nội dung quan trọng của tờ Thanh Nghị mà ông Vũ Đình Hòe là hạt nhân tập hợp bàn về vấn đề nâng cao dân trí của người dân, giáo dục người dân một cách toàn diện. Ảnh: Bìa cuốn Hồi ký Thanh Nghị của cụ Vũ Đình Hòe

Thế hệ vàng đã để lại tên tuổi trong lịch sử, trong đó GS Vũ Đình Hòe có may mắn là sống trọn gần một thế kỷ, trải nghiệm qua tất cả thăng trầm.

Ông là người vượt qua tất cả những thử thách của cuộc cách mạng. Hòa nhập vào được trào lưu chính thống của cuộc cách mạng là một thử thách rất lớn, không phải ai cũng vượt qua được. Có những người rất đáng kính trọng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đã không đi tới cùng của sự nghiệp Đảng Cộng sản.

Ông là người dấn thân, trước khi tham gia cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tiêu biểu là Mặt trận Việt Minh, ông đã tham gia Đảng Dân chủ- một tập hợp của trí thức tiến bộ đương thời.

Nói tới Vũ Đình Hòe là nói tới tờ báo Thanh Nghị, cũng là một tập hợp tự nguyện của một nhóm trí thức tiên tiến, hy vọng xây dựng một xã hội mới khi nước VN độc lập. Tờ báo này là yếu tố thu hút một bộ phận ưu tú dấn thân tìm đường cứu nước, như Nghiêm Xuân Yêm, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh...Tờ báo này đề cập rất nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa.

Đúng lúc đó, Mặt trận Việt Minh đưa ra cương lĩnh chính trị của mình, đã thu hút được lực lượng yêu nước này đi theo. Lúc này, Đảng dân chủ đã có mối liên hệ khá chặt chẽ với Đảng Cộng sản Đông Dương.

Vì thế, trước Cách mạng tháng 8, ông Vũ Đình Hòe đã được Việt Minh mời lên Tân Trào để tham gia Đại hội như là một thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng. Khi Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập, ông đã có mặt trong nội các đầu tiên, với cương vị là Bộ trưởng Quốc gia giáo dục đầu tiên (1945-1946).

Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo

Trả lời câu hỏi, lý do gì khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy lại đề nghị ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng giáo dục? Trong thời gian ấy, vị Bộ trưởng đầu tiên đã làm được những gì cho giáo dục Việt Nam? nhà Sử học Dương Trung Quốc cho hay, những nhà Duy Tân đầu thế kỷ cũng từng đứng trước sự lựa chọn như chúng ta- từ bỏ cái gì và lựa chọn cái gì. Ngày xưa các cụ có triết lý rất đơn giản: thực học và thực nghiệp, cho nên không bị hư hỏng. Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo".

Trước đó, một trong những nội dung quan trọng của tờ Thanh Nghị mà ông Vũ Đình Hòe là hạt nhân tập hợp bàn về vấn đề nâng cao dân trí của người dân, giáo dục người dân một cách toàn diện. 

Ông tham gia rất tích cực trong phong trào truyền bá Quốc ngữ, mặc dù ông là một luật gia.

Khi ông đưa những chủ trương đầu tiên của Bộ giáo dục thì đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành. Thứ nhất là tôn trọng bằng cấp của chế độ cũ, tổ chức sớm cuộc thi làm cho giáo dục của chế độ cũ không bị đứt đoạn và tiếp thu nền giáo dục cũ, cải tạo thành nền giáo dục cách mạng. Đó cũng là điều gây ấn tượng cho ông lớn nhất vì ông cứ nghĩ cách mạng sẽ xóa bỏ tất cả cái cũ.

Chỉ không đầy hai tuần sau cách mạng thì đã khai giảng niên khóa đầu tiên.

Ông cũng là người có công khôi phục lại nền giáo dục đại học từ nền giáo dục thuộc địa, chuyển ĐH Đông Dương cũ thành ĐH của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sử dụng Quốc ngữ.

Nhóm “Thanh Nghị” của Vũ Đình Hoè với nhiều luật gia danh tiếng như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh...từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận được thời cơ độc lập đang đến gần. Tuy nhiên, tất cả những mô hình và bước đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra, vào cái khoảnh khắc quyết định của lịch sử, cùng với độ lùi thời gian cho thấy, là một tư tưởng tiên tiến và một tinh thần Dân chủ rất hiện đại. 

Lý giải về việc sau thế hệ Vũ Đình Hòe bắt đầu vắng bóng những trí thức lớn, kể cả khi có phong trào đi du học để tiếp nhận tri thức từ các nước phương Tây, theo nhà Sử học Dương Trung Quốc, thế hệ chúng ta sau này mất gốc hoàn toàn. Nếu có tiếp cận phương Tây thì chỉ là tiếp cận văn minh bề ngoài, phương tiện sống, kiến thức. Chẳng hạn chúng ta biết tiếng Anh, nhưng không hiểu nền văn minh của Anh là như thế nào. Trong khi đó, thế hệ thời Vũ Đình Hòe tiếp thu cả nền văn hóa.

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, cốt lõi của giáo dục cần phải quan tâm đến, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là vẫn phải giáo dục con người. Kiến thức làm người là quan trọng nhất, sau đó mới đến kỹ năng và tri thức khác. 

Lâu nay ta thực dụng quá. Bằng cấp là cần thiết, là chuẩn mực nhưng chỉ để ý tới điều đó thôi mà không quan tâm đến người ta lấy bằng bằng phương thức nào, bằng chính danh hay ngụy danh, bằng tri thức thực sự hay bằng mua bán. Điều đó rất nguy hiểm.

"Tôi không tán thành phải quay về cái cũ, nhưng có những tinh thần xuyên suốt của giáo dục - triết lý giáo dục, phải có giá trị lâu dài. Những nhà Duy Tân đầu thế kỷ cũng từng đứng trước sự lựa chọn như chúng ta- từ bỏ cái gì và lựa chọn cái gì. eo , ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Thu Hà