UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 25/11/2022 phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”

Theo đó, UBND tỉnh đưa ra quan điểm phát triển du lịch của tỉnh bao gồm: Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển du lịch phải chú trọng sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch sẽ góp phần tăng cường sự giao thương trong xã hội, từ đó thúc đẩy việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.

Chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh khai thác, phát huy các nguồn tài nguyên du lịch hiện có của địa phương có hiệu quả để phát triển du lịch.

Chân thác Đứng thuộc xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, diện tích khoảng 1ha, rất hùng vĩ, phù hợp cho du lịch sinh thái. 

Xác định việc đầu tư các sản phẩm chủ lực phải có tính đặc trưng, khác biệt nhằm hướng tới thị trường khách du lịch riêng. Đối với sản phẩm du lịch mới, phải hiện đại, phù hợp xu hướng du lịch trong nước và trên thế giới; có hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch theo từng giai đoạn, trong đó nhà nước đóng vai trò định hướng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

Từng bước xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bình Phước gắn với đặc trưng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là có địa hình, khí hậu phong phú, đa dạng, có vùng đất màu mỡ phù hợp với cây ăn quả và cây công nghiệp rộng lớn, nhiều địa danh, di tích nổi tiếng.

Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; lấy sự hài lòng của du khách và phúc lợi cho người dân tham gia làm du lịch làm mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Không ngừng hoàn thiện các sản phẩm, các tour (tua) tuyến du lịch làm động lực cho các hoạt động liên kết phát triển vùng.

Mục tiêu đề án 

Đến năm 2025, xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước. Có một đến hai khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Có một đến hai sân golf hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thành lập và đi vào hoạt dộng Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Phước. Công nhận 2 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch.

Phấn đấu năm 2025, đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3,21% đến 4% tổng số lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động (trong đó lao động trực tiếp khoảng 3.000 người), tăng mức chi tiêu của khách du lịch từ khoảng 700.000 đồng/ngày/khách lên đến 800.000 đồng/ngày/khách và tăng thời gian lưu trú từ 1,07 ngày/khách lên 1,15 ngày/khách.

Xây dựng, phát triển thành phố Đồng Xoài đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch của tỉnh với hệ thống dịch vụ tiện ích, có trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn cao cấp; có các trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm và hệ thống cửa hàng tiện ích; nâng cấp và công nhận 1 khu du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp quốc gia và 1 điểm du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp tỉnh; công nhận mới 1 khu du lịch cấp quốc gia, 2 khu du lịch cấp tỉnh, 3 điểm du lịch.

Đến năm 2030, phấn đấu đón khoảng 4 triệu lượt khách (trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 4% đến 5,05% tổng lượt khách), doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động (trong đó lao động trực liếp khoảng 5.000 người), tăng mức chi tiêu của khách du lịch từ khoảng 800.000 đồng/ngày/khách lên 1.200.000 đồng/ngày/khách, tăng thời gian lưu trú từ 1,15 ngày/khách lên 1.45 ngày/khách.

Nhiệm vụ đề án

Để đề án đi vào thực chất, góp phần phát triển du lịch tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, công tác quy hoạch về du lịch phải có chiến lược, tầm nhìn dài hạn, ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư vào các dự án lớn; xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort.

Trong đó, tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng như: Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú) với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và chơi golf; hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, trong đó lấy Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) làm động lực phát triển với các sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng, homestays gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S'tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu và chơi golf; khu quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp đông y, trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm, chơi golf…

Hai là, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và phát triển dịch vụ du lịch.

Cụ thể, tăng cường đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên nhằm rút ngắn thời gian tham gia giao thông từ các địa phương đến Bình Phước, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch khi triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội tỉnh; quy hoạch xây dựng, đầu tư chỉnh trang đô thị, chú trọng xây dựng các công trình văn hóa tạo điểm nhấn cho đô thị và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch theo tiêu chuẩn quy định; xây dựng sản phẩm du lịch xanh trải nghiệm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình vườn cây ăn trái gắn với loại hình du lịch homestays; hướng dẫn các cơ sở đăng ký và bảo hộ thương hiệu các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản Bình Phước.

Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến điểm đến cho khách tham quan các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng; xây dựng và cải tạo nâng cấp hệ thống trung tâm thương mại và chợ tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ khách du lịch (bãi đỗ xe du lịch tại các chợ, sản phẩm mua sắm phục vụ chuyến đi, sản phẩm quà tặng, sản phẩm OCOP, khu dịch vụ ăn uống, vệ sinh công cộng...); xây dựng khu chợ đêm tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long; thực hiện số hóa các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh và các hiện vật tại Bảo Tàng tỉnh trên nền tảng công nghệ số...

Ba là, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan tại các cửa khẩu, thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường công tác liên kết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu điểm đến của Bình Phước; tăng cường công tác liên kết, kích cầu du lịch và xúc tiến quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài, tổ chức thực hiện tốt chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Bộ và một số tỉnh của Campuchia, Lào, Thái Lan.

Năm là, xây dựng môi trường du lịch, xây dụng hệ sinh thái du lịch xanh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nhân viên làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư du lịch; thành lập và đưa Hiệp hội du lịch tỉnh vào hoạt động; xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch.

Phước Long