Sản phẩm gắn sao được thị trường đón nhận

Lâm Đồng được biết đến là một trong những vựa nông sản lớn ở nước ta. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tỉnh cao nguyên này còn tập trung xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thông qua chương trình này để nâng tầm giá trị hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Ông Trần Phú Lộc, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến đặc sản đi đầu trong sản xuất sản phẩm hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản ở Đà Lạt cho biết, từ năm 2019, doanh nghiệp được chính quyền hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, sản phẩm hồng treo gió công nghệ Nhật Bản của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao. 

Trên thị trường, sản phẩm hồng treo gió của doanh nghiệp được bán với giá 450 – 500 nghìn đồng/kg và đang trong tình trạng cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều sản phẩm đặc sản ở Lâm Đồng được chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Xuân Ngọc.

Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ mở rộng vùng nguyên liệu và nhà xưởng chế biến để đăng ký nâng hạng sản phẩm hồng treo gió lên OCOP 5 sao. Theo ông Lộc, với OCOP, đặc sản hồng treo gió được gắn sao sẽ tăng sức cạnh tranh, tạo được niềm tin cho khách hàng. 

Ông Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ DALATA cũng cho biết, hàng loạt các sản phẩm cà phê của doanh nghiệp đều là sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm được 4 sao. Nhờ được gắn sao OCOP, sản phẩm được thị trường đón nhận, đồng thời đưa sản phẩm cà phê lên các sàn thương mại điện tử cũng thuận lợi hơn.

Thực tế, ở Lâm Đồng hiện nay, thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp như mắc ca Lâm Hà, trà Olong, rau, hoa Đà Lạt, hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản, atiso, cà phê Catimo và Arabica Cầu Đất, lúa nếp Quýt Đạ Tẻh, lúa Hạt Ngọc Cát Tiên, chuối LaBa Phú Sơn, rượu cần Châu Mạ bản Buôn Go... đã “có sao, có vạch”, không ngừng vươn xa trên thị trường.

Đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Tỉnh Lâm Đồng xác định, thời gian tới, sản phẩm OCOP vẫn đóng vai trò quan trọng trong khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình cũng sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 250 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp Quốc gia. 

Tỉnh này cũng củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Phấn đấu từ 30 - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử.... và hướng đến xây dựng mỗi huyện, thành phố ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Mới đây, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 3 sao trở lên được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử: postmart.vn và voso.vn. Các đơn vị đang tiến hành tạo gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử này để quảng bá cho 02 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phấn đấu có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 50% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Hà Giang