Nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng; khẳng định đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hôm 15/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc triển lãm “Lời thề quyết tử” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021).

{keywords}
Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm: Thư cán bộ, chiến sĩ gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng tin tưởng và ý chí quyết tâm lên đường vào Nam chiến đấu, 19-5-1963.

Thời khắc vận nước “Ngàn cân treo sợi tóc”

Vận nước “Ngàn cân treo sợi tóc” phản ánh giai đoạn Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời phải đối phó với thù trong giặc ngoài, với muôn vàn khó khăn, thử thách đến từ mọi phía; vận mệnh dân tộc ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. 

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong ảnh: Ngày 6-3-1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và J. Sainteny - đại diện hai chính phủ ký Hiệp định Sơ bộ, tạm hòa hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng ra khỏi đất nước, tránh đối phó cùng lúc nhiều kẻ thù nguy hiểm.

Ngày 14-9-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước, tiếp tục nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cố lực lượng, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai.

Ngày 26-9-1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ đánh giặc cứu nước.

Trước tình thế đó, ngày 18 -12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

Ngày 19-12-1946, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Đại diện cho tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác thúc giục toàn dân đứng lên cứu nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

Đáp lời hịch vang dậy núi sông của Người, cả dân tộc nhất tề đứng lên cầm vũ khí, người có súng dùng súng, người có gươm dùng gươm, người không có gươm, súng thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc lao vào cuộc kháng chiến với ý chí như hịch đánh Tây của cha ông ta thuở trước: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tre làm binh khí, nhất định không bao giờ ngừng chiến đấu chống quân cướp nước”.

Bác đã nhấn mạnh: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Và niềm tin đó, quyết tâm đó tiếp tục được khẳng định trong những lời Bác chúc Tết năm 1947, Tết đầu tiên sau khi nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp âm mưu kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chớp nhoáng”. Chúng tăng số quân viễn chinh lên tới 12 vạn rưỡi tên và huy động hơn hai vạn lính tinh nhuệ nhất thực hiện kế hoạch tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến và đại bộ phận quân chủ lực của ta. Hưởng ứng Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Đập tan cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”, cả nước hướng về căn cứ địa Việt Bắc, nổ súng phối hợp, các đồn bốt kho tàng ở Tây Ninh, Mỹ Tho, Biên Hòa, Tân An bị tập kích; Tây Nguyên đánh mạnh; Quảng Ngãi, Bình Định tiến công địch đi càn; Đồng bằng Bắc Bộ phong trào tổng phá tề lên mạnh dọc hai bên đường số 5. Ở căn cứ địa Việt Bắc, 3.000 quân Pháp bỏ xác, hơn 3.000 tên bị thương, 270 tên bị bắt.

Cả nước hưởng ứng Quyết định của Trung ương Đảng và Bác Hồ (tháng 6-1950), mở chiến dịch Biên giới nhằm mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giải phóng một phần biên giới. Trung tuần tháng 9-1950, Bác Hồ lên đường ra mặt trận để lãnh đạo chiến dịch. Các chiến trường phối hợp: Ở Đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ ta đẩy mạnh diệt địch, phá tề. Thu Đông 1950, ta diệt và bắt sống hơn 4.500 tên địch, trong đó có 3 quan năm. Trận ấy đã làm cho cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã nói: Đó là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Pháp.

Và cuối cùng kết thúc bằng chiến thắng lẫy lừng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ như trong bài “Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” của Bác Hồ với bút danh ĐX đã viết: “Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho thực dân Pháp, cũng là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ. Vì Mỹ đã định ra kế hoạch Nava, đã giúp tiền bạc và vũ khí để thực hiện kế hoạch ấy. Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 binh sĩ Pháp. Chúng mất 25 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất, gần 20 tên quan năm và một tên thiếu tướng. Thực dân Pháp thì trách Mỹ không hết sức, không kịp thời cứu vãn. Đế quốc Mỹ thì trách Pháp hèn hạ, bất tài. Nội bộ chính phủ Pháp lục đục, tên này đổ lỗi cho tên kia. Bại tướng Nava bị cách chức”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc đối phương phải ký Hiệp định Gienève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.

Đỉnh cao của ý chí chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc là “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Nguyễn Doanh

Ảnh: Thảo Hiền