Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của thành phố Hà Nội vừa khảo sát, đánh giá, chấm điểm tại các xã Sơn Đà, Tản Hồng, Vạn Thắng của huyện Ba Vì.

Kết quả, cả 3 xã đều đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Đáng chú ý, Vạn Thắng là xã đăng ký tăng thêm của huyện nhưng với sự nỗ lực rất lớn, địa phương đã hoàn thành các tiêu chí để được đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Lê Xuân Phú cho biết, Vạn Thắng là một trong những xã cuối cùng của huyện Ba Vì hoàn thành xây dựng nông thôn mới (năm 2021). Tuy đi sau nhưng địa phương đầu tư đến đâu, chắc đến đó.

Tương tự, huyện Quốc Oai có 3 xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, vượt chỉ tiêu thành phố giao. 

Theo ông Lý Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, hiện xã Đại Thành đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đang trình UBND huyện Quốc Oai và thành phố đánh giá, chấm điểm.

Giao thông nông thôn ở huyện Ba Vì, Hà Nội.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhưng đến thời điểm hiện tại có 57 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành, tăng gần 2,3 lần so với mục tiêu đề ra. 

Đoàn thẩm định của thành phố đã tiến hành đánh giá, chấm điểm tại các huyện Ba Vì và Hoài Đức; còn các địa phương khác đang hoàn thiện hồ sơ để thành phố tổ chức đánh giá từ nay đến cuối năm 2022.

Được biết, năm 2022 là năm đầu tiên các xã được đánh giá, chấm điểm nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ tiêu chí của Hà Nội bám sát nội dung Bộ tiêu chí của Trung ương nhưng có một số chỉ tiêu cao hơn.

Các địa phương trên địa bàn thành phố đều có những cách làm sáng tạo, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, Ba Vì phát động Cuộc thi "Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Từ đây, các xã đã triển khai sâu rộng, thu hút người dân tham gia các hoạt động xã hội hóa, chung sức xây dựng quê hương. 

Từ một huyện khó khăn xa trung tâm của Thủ đô, đến nay diện mạo nông thôn Ba Vì đã thay đổi rõ nét. Công tác vệ sinh môi trường thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Các công trình trồng cây xanh, đường hoa... được triển khai rộng khắp khiến làng quê sạch và đẹp hơn mỗi ngày.

Còn tại huyện Hoài Đức, song hành thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với Bộ tiêu chí phát triển đô thị để xây dựng xã thành phường, huyện thành quận. Trong đó, huyện lựa chọn các tiêu chí cao nhất để thực hiện. Bên cạnh công nghiệp và dịch vụ, Hoài Đức đặc biệt quan tâm đến phát triển làng nghề, nông nghiệp… nhờ đó, thu nhập của người dân ngày một nâng cao.

Thanh Thủy