Giảm nghèo vùng dân tộc miền núi: Cơ hội và thách thức

Chính phủ Việt Nam xác định tăng tốc giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một ưu tiên chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tình trạng nghèo kéo dài và ở mức cao trong các nhóm dân tộc thiểu số là thách thức lớn đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam xác định tăng tốc giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một ưu tiên chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo điện tử VietNamNet tổ chức chương trình Tòa đàm “Công tác giảm nghèo bền vững ở khu vực dân tộc miền núi”. Xin trân trọng giới thiệu hai vị khách mời:

Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ông Ngô Trường Thi, nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Xin mời quý vị theo dõi video Tọa đàm tại đây:

Trao quyền chủ động cho các địa phương 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Xin ông cho biết nội dung và ý nghĩa của chương trình với công tác giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Ông Ngô Trường Thi: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc và miền núi. Đây là sự nối tiếp với mức độ ưu tiên cao hơn, toàn diện hơn đối với địa bàn và vùng dân cư đặc thù này.

Cùng với chương trình mục tiêu giảm nghèo, vùng dân tộc miền núi luôn được ưu tiên đầu tư về cả nguồn lực và chính sách. Từ năm 1998 đến nay, việc đầu tư cho vùng dân tộc miền núi luôn là một chương trình hỗ trợ có mục tiêu hoặc là một dự án thành phần xóa đói giảm nghèo theo từng giai đoạn.

Chương trình được ban hành hướng tới nhóm đối tượng ở địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, hướng tới bảo đảm đời sống an sinh xã hội của đồng bào dân tộc, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao trình độ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và giảm suy dinh dưỡng. Bảo tồn phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hỗ trợ nhóm dân tộc ít người các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực...

Tôi thấy đây là chương trình tương đối toàn diện, tạo cơ hội phát triển, nâng cao đời sống và giảm nghèo cho vùng dân tộc miền núi nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức trong việc thực hiện giai đoạn tới.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, ông đánh giá thế nào về việc triển khai công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua ở Việt Nam?

Ông Hoàng Xuân Lương: Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giảm nghèo nói chung và đặc biệt vùng dân tộc thiểu số là một chính sách hết sức toàn diện. 

Các bạn bè quốc tế đến Việt Nam đều thừa nhận, những năm qua công tác giảm nghèo của Việt Nam rất tốt, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Ví dụ tỷ lệ giảm nghèo năm nào ít nhất cũng giảm 1,5% và trung bình 2%. Tuy nhiên, riêng vùng dân tộc thiểu số giảm nghèo từ 3 đến 4%, có nghĩa tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các ban ngành, đoàn thể, của các doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình triển khai đã đạt một số thành tựu quan trọng. 

Thứ nhất: Giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. 

Thứ hai: Hệ thống kết cấu hạ tầng xuống đến thôn bản được khắc phục, đỡ một phần vất vả đi lại cho đồng bào. 

Thứ ba: Các mô hình khuyến nông đã hình thành ở các vùng dân tộc thiểu số và hầu như thôn bản nào cũng có. Các hộ gia đình được đầu tư, hỗ trợ xây dựng thành các mô hình gia đình và từ các mô hình trình diễn của từng gia đình trở thành bài học cho bà con xung quanh. Tôi cho rằng, đây là một thành công nhất trong giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số. 

Hiện nay, nước ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Một là Chương trình giảm nghèo, hai là Chương trình xây dựng nông thôn mới và ba là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Ngoài 3 chương trình quốc gia trọng điểm còn có 21 chương trình có mục tiêu do các bộ, ngành quản lý. Trong 21 chương trình có mục tiêu cũng có những nội dung liên quan đến vùng dân tộc thiểu số miền núi. Nếu phối hợp tốt 3 chương trình quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu thì giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số sẽ tốt hơn. 

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang được các ngành, các cấp cho đến các địa phương triển khai tích cực. Thông báo vốn đã đến cấp huyện và bắt đầu triển khai các nội dung tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.

Lâu nay, vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia do cấp Trung ương quản lý nhưng trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số thì vốn chuyển hoàn toàn về cho địa phương, kể cả một số thành phần dự án mà các bộ quản lý thì đồng vốn vẫn phân bổ về cấp tỉnh. Từ đó, cấp tỉnh dựa vào thực tiễn và phân bổ cho cấp huyện theo tiêu chí Trung ương ấn định. Có nghĩa là Trung ương chỉ quản lý về mục tiêu, về tiêu chí, còn cụ thể là giao quyền ở dưới.

Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã phân cấp, giao quyền cho địa phương để phát huy tính chủ động sáng tạo. Tôi cho đó là điểm mới nhất trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. 

Từ trái qua: Nhà báo Diệu Bình, ông Hoàng Xuân Lương, ông Ngô Trường Thi.

Nhà báo Diệu Bình: Ngày 18/1/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Thưa ông Ngô Trường Thi, các chính sách dân tộc trong Chương trình này được đảm bảo ra sao? Làm sao để việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không trùng lặp nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả nguồn lực và không bỏ sót các nhóm đối tượng cần hỗ trợ?

Ông Ngô Trường Thi: Để giải quyết vấn đề nâng cao đời sống của vùng dân tộc miền núi hay là vấn đề giảm nghèo thì không chỉ có các chương trình này mà còn có các hệ thống chính sách. Ví dụ, chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về nhà ở hay chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi rất lớn và hiệu quả. Đồng bào được hưởng không chỉ từ các chương trình mà còn từ hệ thống chính sách tác động trực tiếp đến đối tượng, còn chương trình tác động chủ yếu đến các vùng địa bàn. 

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trên phạm vi cả nước. Hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận người dân, người nghèo vùng sâu cơ bản và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo, xã đặc biệt và các vùng ven biển. 

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ muốn thoát nghèo trên địa bàn các huyện nghèo sẽ được hỗ trợ tiếp cận thị trường, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và tham gia các hoạt động. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các hộ nghèo sẽ được thụ hưởng các cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo sự kết nối liên thông từ thôn bản đến trung tâm xã và trung tâm huyện, tỉnh; các chương trình hạ tầng khác quy mô ngoài phạm vi các xã và thôn bản như trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sạch. Chương trình dân tộc thiểu số chỉ trong phạm vi địa bàn xã thôn bản nhưng tạo một sự kết nối từ xã đến huyện và tỉnh

Để không trùng lặp, bỏ sót đối tượng thì khi thiết kế 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi đã phải bàn rất nhiều. Phải xác định là có chồng chéo hay không? Chồng chéo là chắc chắn nhưng phải cố gắng hạn chế. 

Hạn chế ở đây là gì? Một, mục tiêu phạm vi phải rõ ràng, không được trùng lặp, điều đó phải chắc chắn. Hai, không được trùng lặp điểm đầu tư. Ví dụ Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa bàn là các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn; Chương trình giảm nghèo là các huyện và các xã nghèo; còn Chương trình nông thôn mới là các xã không còn nghèo, đã vươn lên để đạt được tiêu chí nông thôn mới. Như vậy, ở ba địa bàn là không có sự đầu tư chồng chéo các nguồn lực. Mỗi đối tượng địa bàn chỉ được hưởng một chính sách. 

Tuy nhiên, cần phải tính toán lồng ghép với nguồn lực sao cho hiệu quả. Ví dụ, trên địa bàn một huyện nếu chỉ chương trình nào là chương trình ấy thì sẽ rời rạc, nhưng địa phương biết lồng ghép và Trung ương cho một cơ chế thì có được những công trình đảm bảo đầu tư quy mô và hoàn thành hiệu quả hơn. 

Chúng ta có thể đưa ra những quy định, cơ chế rất rõ nhưng quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của địa phương. Địa phương phải xác định, quyết định đầu tư như thế nào để có hiệu quả hợp lý và hợp với lòng dân.

Ông Ngô Trường Thi. 

Phát triển nguồn nhân lực là giải pháp căn cơ

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, phát triển khu vực dân tộc, miền núi hiện nay được xác định theo thứ tự ưu tiên và có vai trò thế nào với công tác giảm nghèo bền vững ở các khu vực này?

Ông Hoàng Xuân Lương: Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số căn cứ Nghị quyết 120 và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Mười dự án trong danh sách được sắp xếp theo những yêu cầu bức xúc nhất của cuộc sống, ví dụ dự án đầu tiên giải quyết những vấn đề về đất sản xuất, nước sinh hoạt. 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, sự sắp xếp đó là do những vấn đề bức xúc nhất, còn chiều dài phát triển thì ưu tiên lớn nhất của vùng dân tộc thiểu số vẫn là phát triển nguồn nhân lực. Chỉ khi nào người dân tự đứng vững trên đôi chân của họ thì sự phát triển mới bền vững.

Chúng ta muốn phát triển bền vững có hai yếu tố, một là người dân đủ kiến thức để tự mình vượt lên và thứ hai họ phải có niềm tự hào về bản sắc văn hóa để đứng vững và tự phát triển. Muốn có hai yếu tố chỉ có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chừng nào chưa giải được bài toán về nguồn nhân lực ở dân tộc thiểu số thì chưa thể có được sự phát triển bền vững. 

Tôi đơn cử trong 10 dự án thì công tác truyền thông xếp vào cuối cùng nhưng thực chất là đi song song, đồng hành cùng với 9 dự án kia. Đặc biệt vùng miền núi bây giờ nhu cầu kết nối internet, sử dụng công nghệ tiên tiến để người dân tiếp cận các dịch vụ công là cần thiết, vì vậy, không thể xếp cuối như thế. Xét đúng ra, cả 10 dự án đều là vấn đề cấp bách nên phải kết hợp đồng hành. Nếu được phép xếp thứ tự ưu tiên, tôi vẫn đặt phát triển nguồn nhân lực lên trên hết.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, vai trò công tác giảm nghèo bền vững đối với việc thay đổi cuộc sống của người dân ở khu vực này ra sao?

Ông Hoàng Xuân Lương: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi là một chính sách xương sống ở vùng dân tộc thiểu số. Nếu không có một chương trình đặc thù dành riêng thì vùng dân tộc thiểu số rất lâu mới theo kịp mặt bằng chung cả nước. 

Lõi nghèo tập trung ở vùng dân tộc thiểu số, theo số liệu hiện nay tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số chiếm khoảng 58,5% trong tổng số hộ nghèo của cả nước. Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, xu hướng tỷ lệ hộ nghèo của vùng dân tộc thiểu số so với tổng số hộ nghèo của Việt Nam ngày càng tăng lên, thậm chí có thể dần đến hơn 90%. Có nghĩa là trong 100 hộ nghèo của người Việt Nam thì đến hơn 90 là hộ người dân tộc thiểu số. 

Vì thế, nếu không có những chính sách sách đặc thù thì tốc độ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số không thể nào vươn lên để đạt mặt bằng chung của cả nước. Tôi cho rằng, vai trò của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội là chương trình xương sống cho sự đảm bảo phát triển kinh tế xã - hội vùng dân tộc thiểu số. 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, có ý kiến cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là vấn đề lớn, có tính chất chiến lược. Tuy nhiên, do đây là chương trình đầu tiên về khu vực này nên khi triển khai tại các địa phương còn nhiều lúng túng, ví dụ như quy định khung chưa rõ ràng... Vậy cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn này? Xin mời ông Hoàng Xuân Lương.

Ông Hoàng Xuân Lương: Tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra việc triển khai chương trình, tôi thấy có mấy vấn đề như sau: 

Nếu xét tầm chiến lược, những khó khăn xuất phát từ vấn đề gốc về mặt luật pháp. Hiện nay có 66 bộ luật liên quan đến người dân tộc thiểu số nhưng không có bộ luật nào thống nhất lại cả. 66 bộ luật có trên 129 điều liên quan, như thế tản mát và thậm chí chồng chéo. Đấy chính là khó khăn.

Khó khăn thứ hai, ở Việt Nam hiện nay có hai bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số. Bộ tiêu chí thứ nhất ban hành từ năm 2004 phân định vùng cao miền núi, tỉnh nào ở cao nhất, điều kiện giao thông cách trở nhất, thời tiết khí hậu khó khăn nhất để tập trung nguồn lực. 

Tuy nhiên, bộ tiêu chí này không làm rõ được đặc thù của tộc người. Do đó phải xây dựng một bộ tiêu chí thứ hai về phân định trình độ phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số. Có nghĩa dựa vào điều kiện lịch sử của các tộc người xem mức độ xuất phát khó khăn như thế nào để tập trung chính sách. 

Bộ tiêu chí thứ nhất phân định vùng cao do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi phê duyệt. Bây giờ trở thành tiêu chí quốc gia, tức là các bộ ngành kể cả bố trí bộ máy cán bộ, phân bố nguồn lực đều dựa vào quyết định phân định về vùng cao, còn phân định trình độ phát triển chỉ là quyết định thực hiện chính sách dân tộc. Tuy nhiên khi đang tồn tại hai quyết định với hai bộ tiêu chí như thế mà triển khai chương trình chính sách dân tộc thì vướng ở dưới cơ sở vì không biết vận dụng tiêu chí nào để xếp dự án. 

Tôi đơn cử khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số thì vướng một vấn đề là có nhiều xã không còn được hưởng chế độ của xã đặc biệt khó khăn, hay gọi là khu vực 3. Từ quân đội đến công an rồi cán bộ xã, giáo viên, y tế không còn được hưởng phụ cấp của xã đặc biệt khó khăn, rõ ràng ảnh hưởng đến mấy triệu người trên vùng dân tộc thiểu số chứ không chỉ riêng đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương hết sức lúng túng không biết vận dụng thế nào.  

Ngoài ra, một vướng mắc nữa là nếu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số thì các dự án nhỏ, thông thường cấp xã chỉ vài tỷ đồng nên địa phương muốn vận dụng đặc thù để chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế hoặc là giao trực tiếp. Tuy nhiên, khi muốn làm điều đó cho nhanh, cho tốt thông qua hội đồng nhân dân tỉnh lại vướng Luật Đầu tư công. Bởi Luật Đầu tư công quy định, tất cả dự án trên 100 triệu đồng đều phải đấu thầu, tức là giữa các bộ luật không đồng bộ, không thống nhất khiến dưới cơ sở vướng mắc, khó tháo gỡ. Tôi cho rằng, đây là vướng mắc lớn nhất khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Ông Hoàng Xuân Lương. 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, là người có kinh nghiệm 23 năm trong lĩnh vực giảm nghèo, từng tham gia trực tiếp công tác hoạch định chính sách cũng như xây dựng một số chương trình giảm nghèo, ông có ý kiến như thế nào?

Ông Ngô Trường Thi: Tôi cho rằng, để chương trình triển khai thì hệ thống văn bản phải đầy đủ, kịp thời. Bây giờ là cuối năm 2022, năm 2023 là đánh giá giữa kỳ, chúng ta vừa mới triển khai, đã làm gì mà đánh giá. Quan trọng nhất phải có một khung đánh giá tiến độ, tức là phải xác định công việc bắt đầu từ đâu, khi nào làm, có kết quả ra sao thì mới theo dõi được, nếu không rất khó thực hiện. 

Như anh Hoàng Xuân Lương đề cập, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi lần này giao toàn bộ vốn cho địa phương là rất tốt nhưng cũng không phải đã thuận lợi. Quan trọng nhất là cộng đồng phải trực tiếp làm, phân cấp trao quyền cho người dân hay giao quyền cho doanh nghiệp… nhưng cơ chế lại không cho phép. Đây là một vấn đề vướng mắc hiện nay, cuối cùng người dân đành chịu, muốn làm cũng không được. 

Thứ hai là liên quan đến vấn đề hỗ trợ sinh kế. Khi tôi còn đang công tác, mỗi năm trả về mười mấy tỷ đồng tiền ngân sách vì không làm được. Quy định phân bổ nguồn vốn đó chỉ sử dụng trong một năm nhưng thông báo vốn giữa năm chưa có, đến lúc có lại không kịp thời vụ. Chuyển sang năm sau thì không được, lại bị cắt. Tiền thì có nhưng nhìn tiền mà rơi nước mắt.

Đây là vấn đề phải gỡ nhưng chắc phải tháo gỡ từ từ vì như anh Lương nói, có cái nhìn thấy mà không gỡ được bởi liên quan đến những quy định ràng buộc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bảo không làm được. Cố gắng một chương trình thành công là từ nguồn nhân lực, nhận thức của người dân, phải người dân làm, người dân là chủ thể. Nếu không, tất cả chỉ là khẩu hiệu và người làm không phải người dân. 

Tôi rất buồn là khi lên các vùng cao, phần lớn là doanh nghiệp làm, không chỗ nào là người dân tự làm. Ngân sách bỏ ra là người dân phải trực tiếp thụ hưởng, trực tiếp thực hiện thì chúng ta lại không làm thế vì rất nhiều quy định, cuối cùng toàn người khác làm. Có câu nói như thế này: “Tiền đầu tư Chính phủ lại quay về Hà Nội hết, nó không ở lại miền núi đâu, không ở lại cái vùng đồng bào dân tộc đâu”. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và phải được tháo gỡ.

Một chương trình thành công phải do người dân làm, người dân là chủ thể.

Truyền thông thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, trong giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ đã có chủ trương, giải pháp đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cụ thể như thế nào? 

Ông Ngô Trường Thi: Ở Việt Nam, công tác giảm nghèo đã triển khai ngay từ những ngày mới thành lập nước, Bác Hồ đã nói, trong ba thứ giặc thì giặc đói cần phải giải quyết. 

Trong suốt quá trình vừa giải phóng dân tộc, vừa phát triển kinh tế, vấn đề giảm nghèo vẫn cần quan tâm. Đặc biệt từ năm 1993 đến nay, giảm nghèo đã được đưa vào nghị quyết của Trung ương Đảng và sau này trở thành mục tiêu quốc gia. Chúng tôi vẫn nói giảm nghèo phải bằng hai chân. Một là bằng hệ thống chính sách, hai là bằng chương trình. 

Bằng chính sách là toàn bộ chính sách tác động trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng và mới giải quyết được những thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch rồi vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ truyền thông… 

Bằng các chương trình thì tác động đến các địa bàn, cụ thể là tạo ra sự thay đổi về cơ sở hạ tầng. Muốn phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mà cơ sở hạ tầng không có thì cũng không làm được. Sản phẩm sản xuất ra cũng không bán được bởi người kinh doanh đặt mục tiêu lợi nhuận đầu tiên, chi phí cao quá thì không ai lên. 

Ở chương trình giảm nghèo giai đoạn trước hướng tới địa bàn các xã đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển rồi các huyện nghèo, có những mô hình sinh kế… Vấn đề không phải hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư mà là hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đây là trực tiếp chuyển giao kỹ thuật đến những người nghèo phải đi từ đầu đến cuối, rồi có những dự án khác như hỗ trợ sản xuất cho bà con… 

Bình quân 5 năm chúng ta giảm nghèo được hơn 1,3%, tỷ lệ nghèo của vùng đồng bào dân tộc miền núi cũng giảm rất nhanh. Tuy giảm nhanh nhưng tỷ trọng vẫn cao và quan trọng là thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc miền núi chỉ bằng 2/5 mức bình quân của cả nước.

Vấn đề này do xuất phát điểm, phải nhìn nhận vấn đề để tiếp tục quan tâm đầu tư lĩnh vực này thế nào. Quan trọng là kết quả đạt được giai đoạn vừa qua giải quyết được các chiều thiếu hụt của hộ nghèo rất tốt. Hỗ trợ tăng thu nhập cho người dân bình quân từ 1,5 đến 1,6 lần, giảm mức độ thiếu hụt trong tiếp cận vùng sâu cơ bản… Chúng ta đang đi đúng hướng theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đề ra đến năm 2030. 

Các nội dung của chương trình giảm nghèo nói chung phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Khi đã có các chương trình mục tiêu quốc gia khác thì chương trình giảm nghèo quan tâm nhiều đến vấn đề bảo đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, đào tạo nghề cho người nghèo bởi nó thể hiện ở các chiều thiếu hụt, các mức độ thiếu hụt. Chương trình giảm nghèo được thiết kế bám vào mức độ thiếu hụt, các chiều thiếu hụt để từng bước giải quyết, hỗ trợ người nghèo. Không chỉ chương trình giảm nghèo mới giải quyết được vấn đề này mà là tổng hòa của chương trình phát triển kinh tế - xã hội cộng với các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. 

Hệ thống chính sách cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng hiệu quả hơn.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, trong giai đoạn 2021 – 2025 chúng ta cần làm gì để phát huy những thành tựu của giai đoạn trước? 

Ông Ngô Trường Thi: Để phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua có mấy vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, hệ thống chính sách cần tiếp tục được thiết kế lại và hoàn thiện theo hướng hiệu quả hơn để tác động đến đúng đối tượng cần hỗ trợ, tràn lan quá thì không có ý nghĩa và không đủ nguồn lực thực hiện. Như dịch Covid -19 vừa qua, Nhà nước dành rất nhiều ngân sách hỗ trợ đời sống cho người dân, kích cầu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách đảm bảo an sinh vẫn phải giữ, ví dụ như chính sách về bảo hiểm y tế, về giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, người dân cần hơn và rất thiết thực. 

Thứ hai, các chương trình đã được bố trí vốn thì phải triển khai kịp thời. Chúng ta cứ nói phân cấp, trao quyền nhưng mang tính chất khẩu hiệu, chưa thực hiện, khi nào phải người dân trực tiếp là người sử dụng số tiền được hỗ trợ, trực tiếp triển khai cùng sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn và người dân sẽ được thụ hưởng các thành quả của mình. Nhiều ý kiến nói người dân ỷ lại nhưng không phải, có cho họ làm đâu mà ỷ lại. Theo tôi, cứ cho họ làm, xem có làm được không. Bên cạnh đó muốn họ làm được thì phải đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. 

Thứ ba, truyền thông rất quan trọng, làm thay đổi nhận thức cực kỳ tốt, rất thiết thực để người dân hiểu được quyền lợi của mình cũng như tiếp cận những kiến thức. Qua đó, họ có nhận thức tốt để chủ động vươn lên. 

Tôi rất ấn tượng về các phong trào Làng mới ở Hàn Quốc vì khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Đây là phong trào xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc được khởi xướng năm 1971 – 1979 và đã đạt những thành tựu quan trọng. Tại sao Việt Nam không làm được việc đó? Bây giờ cứ bảo tại sao xã tôi không được xã đặc biệt khó khăn? Tại sao tôi không được hộ nghèo? Cái đó là thất bại. Phải thấy cái nghèo là tủi nhục, làm sao phải thoát nghèo vươn lên làm giàu, tại sao người ta làm được mà mình không làm được. Quan trọng là phải đi bằng rất nhiều giải pháp. 

Do vậy, phải đi từ những công việc cụ thể thì mới mong chương trình đạt hiệu quả thiết thực. Con số chỉ là con số, quan trọng nhất là đời sống người dân có được cải thiện không, còn thiếu ăn không, có được tiếp cận với bảo hiểm xã hội cơ bản không, con cái có được học hành không, quần áo mặc có đủ ấm không, ốm đau có được đến bệnh viện không… Đó mới là quan trọng, còn tỷ lệ nghèo giảm hàng năm cũng chỉ là thước đo để đánh giá ở mức độ nào đó.

Đảm bảo tính bền vững của các mô hình kinh tế 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, xin ông chia sẻ về hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông hướng đến giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số hiện nay?

Ông Hoàng Xuân Lương: Quá trình triển khai chương trình khuyến nông của vùng dân tộc thiểu số luôn gắn với chương trình an sinh xã hội. Việc gắn các chương trình an sinh xã hội với khuyến nông ở các địa phương là tốt. Chính vì vậy những năm qua, tại các vùng dân tộc thiểu số, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình xuất hiện rộng khắp. 

Tôi đơn cử mô hình nuôi dê tập trung của các hộ gia đình ở Ninh Thuận, Bình Thuận là một mẫu hình tốt. Có những gia đình nuôi đến 200 con dê, một năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hoặc mô hình nuôi bò ở Ninh Thuận, đồng bào Chăm, đồng bào Rắc Lây đã biết nuôi đàn bò hai ba chục con, với thu nhập hơn 200 - 300 triệu đồng/năm. Ở Tây Nguyên, mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh, gần đây trồng thêm chuối xuất khẩu với những vườn chuối bạt ngàn lên tới vài chục hecta của vài ba hộ. 

Hay hai năm nay ở vùng Tây Nguyên phát triển một loại cây cho giá trị kinh tế rất cao, đó là hạt dổi. Hạt dổi là một loại gia vị được trồng ở vùng đồng bào Mường (Hòa Bình) rất nhiều, giờ phát triển rộng khắp Tây Nguyên với giá xuất khẩu cao, doanh nghiệp thu mua đã là 1,2 triệu/kg tươi. Nếu phát triển các mô hình này thì đời sống người dân tộc thiểu số rất tốt. 

Ở phía Bắc, những mô hình phát triển cam ở Tuyên Quang hay trồng chè ở Bắc Kạn, búp chè ở Hoàng Su Phì của Hà Giang đã mang đến giá trị kinh tế cao. Chưa kể các mô hình trồng dưa, chanh leo ở miền Tây Nghệ An… đưa đến sự khởi sắc về kinh tế. 

Các chương trình an sinh gắn với khuyến nông những năm qua ở vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả rất tốt. Kết quả cụ thể là các mô hình phát triển kinh tế đã giúp cuộc sống, kinh tế người dân khấm khá. Những kết quả khuyến nông, khuyến ngư nối tiếp nhau phát triển bền vững, là một yếu tố để nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân nghèo. Khi một hộ gia đình dân tộc thiểu số xây dựng được mô hình thành công, chính là họ tạo thêm công ăn việc làm cho những hộ nghèo trong thôn bản. Đấy cũng là một hướng phát triển bền vững. 

Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình xuất hiện rộng khắp các vùng dân tộc thiểu số.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, bên cạnh những kết quả đã đạt được có trường hợp sau khi thực hiện mô hình, đề án xong thì các địa phương lại không phát triển được mô hình ấy. Theo ông, nguyên nhân ở đâu và khắc phục như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Lương: Khi tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mô hình trình diễn xong, nhà đầu tư rút đi, sau đó mô hình không mở rộng, nhân lên được là do vấn đề nhân lực. Tức là người dân chưa ý thức đầy đủ tác dụng của mô hình đó, nguồn lực không đủ để nhân rộng cho các hộ khác. Vì vậy, để đảm bảo tính chất bền vững của các mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo, đặc biệt là sau giai đoạn nhà nước hỗ trợ, cần lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất, phải làm một mô hình thực sự đứng vững, có tác dụng thiết thực chứ không phải mang tính chất trình diễn. 

Thứ hai, sau khi có chương trình, đặc biệt là cấp huyện phải tính toán nguồn lực để tiếp tục duy trì mô hình ấy. 

Thứ ba, lồng ghép các chương trình an sinh xã hội khác và sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt của các doanh nghiệp để nhân rộng mô hình bằng chính nguồn lực của địa phương chứ không chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là lâu nay giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số mới trực tiếp hỗ trợ, giúp cho người nghèo chứ chưa có chính sách riêng để hỗ trợ các mô hình kinh tế hộ gia đình. Tôi muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thời gian tới cần có một chính sách riêng hỗ trợ vấn đề này để những doanh nghiệp nhỏ đầu tư phát triển thành một mô hình lôi cuốn, có sức hấp dẫn tạo nên công ăn việc làm cho vùng dân tộc thiểu số. 

Tôi biết, khi nêu vấn đề này cũng có ý kiến băn khoăn là giúp người nghèo thôi sao lại giúp người giàu, hộ giàu? Cùng với chính sách bình đẳng chung, với những người giàu có tư duy làm ăn giỏi nên có chính sách tốt để họ tạo ra điểm nhấn ở khu vực đó. Khi doanh nghiệp ổn định, phát triển bền vững sẽ là ngọn cờ khuyến khích các hộ khác, tạo công ăn việc làm cho lao động nghèo ở địa phương. Như vậy, chính sách sẽ có hiệu quả tốt hơn trong việc duy trì phát triển mô hình trình diễn.

Ông Ngô Trường Thi: Tôi xin trao đổi thêm một chút về nội dung này. Thực ra không phải tất cả các mô hình đều không thành công. Lấy ví dụ thực tiễn năm 2012, tôi có chỉ đạo hỗ trợ mô hình nuôi dê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) theo Chương trình 135 của Chính phủ. Dự án hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình 59 con dê, tuy nhiên, hộ nào tham gia phải tự làm chuồng và phải cam kết khi dê đẻ thì luân chuyển con giống cho hộ khác.

Sau vài năm tôi trở lại Cẩm Thủy, chủ tịch huyện đã chạy ra ôm tôi và nói: “Anh Thi ơi, đàn dê ngày xưa giờ phát triển tốt lắm”. Ngày triển khai dự án, anh ấy mới là phó chủ tịch huyện. Theo đồng chí lãnh đạo địa phương, với đàn dê 59 con đến năm 2016 đã lên 500 con. Tôi quay lại tham quan mô hình đó thấy rất ngỡ ngàng nhưng tôi đề nghị: Thứ nhất, các hộ trong mô hình luân chuyển 1, 2 con cho các hộ khác. Thứ hai, không phát triển thêm nữa vì quy mô không đủ lớn, không có chỗ chăn thả. 

Tôi nghĩ, mô hình muốn thành công, cộng đồng phải được quản lý. Nếu mô hình chỉ mang tính chất áp tải bên ngoài vào sẽ không bao giờ bền vững. Khi mô hình do người dân làm, cộng đồng làm thì sẽ phát triển rất tốt. 

Ví dụ thứ hai là tại sao Bắc Kạn lại trở thành một tỉnh miền núi có sản phẩm OCOP đứng thứ hai. Xuất phát từ khi tôi làm chương trình phát huy sáng kiến cộng đồng năm 2016, đã có rất nhiều tổ nhóm ở Bắc Kạn xuống dự cuộc thi. Sau đó, nhiều nhóm đối tác lên hỗ trợ Bắc Kạn tổ chức hình thành nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã bây giờ thành liên hợp tác xã… Như vậy mới đảm bảo tính bền vững. 

Thứ ba, như anh Hoàng Xuân Lương nói, tại sao không hỗ trợ người có điều kiện. Không phải bây giờ mới nghĩ ra mà từ những năm 2000 chúng tôi đã nêu lên nhưng không ai nghe cả. Tại sao lại hỗ trợ người giàu? Ta phải xác định, không phải ai cũng có tố chất làm chủ. Có những người chỉ làm được ở mức độ này, ai bảo gì làm nấy hoặc chỉ làm đúng chuyên môn để nhận được tiền công, còn bảo họ suy nghĩ tính toán đầu vào, đầu ra chưa chắc đã làm được. Vậy tại sao cứ bắt họ phải làm chủ? Đấy là một ý rất hay nhưng tôi nghĩ rằng sẽ phải có chính sách để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai thác tiềm năng thế mạnh tại chỗ của địa phương để thu hút lao động là đồng bào nghèo dân tộc thiểu số vào làm việc.

Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Đánh giá nghèo đa chiều ở từng giai đoạn phải đo lường khác nhau.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, những thành quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần làm cho bộ mặt các vùng nông thôn, miền núi khởi sắc rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo còn tập trung nhiều vào nhóm các dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Vấn đề nghèo đa chiều ở các nhóm dân tộc thiểu số được thể hiện ở các phương diện nào? Mời ông chia sẻ về vấn đề này.

Ông Ngô Trường Thi: Hiện nay, chuẩn nghèo thu nhập của Việt Nam là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tức là sẽ không còn tình trạng nghèo cùng cực nữa và giảm nghèo tất cả các chiều nghèo theo quy định quốc gia. Đây là mục tiêu đã cam kết với cộng đồng quốc tế và phải thực hiện đúng. 

Với vấn đề nghèo đa chiều, để đánh giá nghèo có nhiều phương pháp. Trước đây đánh giá nghèo dựa vào thu nhập và rất nhiều các quốc gia đã làm điều đó; nhưng nếu đánh giá nghèo dựa vào thu nhập thì bị thu nhập che mất các thiếu hụt khác. Do đó, một phương pháp tiếp cận đánh giá nghèo dựa vào các yếu tố dịch vụ cơ bản là nghèo đa chiều.

Từ năm 2015 đã chuyển đổi cách tiếp cận nghèo đa chiều. Trước đây, khi nhắc đến nghèo đa chiều, nhiều người rất bỡ ngỡ nhưng đến nay, cụm từ đa chiều đã thông dụng, nhiều cơ quan truyền thông cũng đề cập đến… Quan trọng đo bằng thước đo gì và thước đo đó phù hợp với từng giai đoạn thế nào? Bởi không có cái gì là bất biến và đúng mãi cả, nó phụ thuộc vào mức độ phát triển.

Ví dụ trước đây đánh giá nghèo là không đủ ăn, không đủ mặc, nhà cửa dột nát tạm bợ nhưng bây giờ đánh giá nghèo đa chiều ở từng giai đoạn đo lường phải khác nhau. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tỷ lệ nghèo đang chiếm tỷ trọng cao. Tuy số lượng không lớn nhưng tỷ trọng nghèo trong tổng số hộ nghèo cả nước có xu hướng ngày càng tăng. Số liệu của chúng tôi là chiếm khoảng 45%, đến cuối giai đoạn là 55% hoặc 58%. Số liệu này không sai, quan trọng là thu nhập bình quân của đầu người. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 3 - 4%/năm, có nơi giảm 6-7% nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ chiếm ⅖, tức là chỉ chiếm 40% so với bình quân của cả nước. 

Vấn đề nghèo đa chiều ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là từ vấn đề thu nhập, bởi không tìm ra nguồn thu nhập thì rất khó để giải quyết các nhu cầu dịch vụ cơ bản khác. Phải xác định từ sự phát triển không đều và đặc thù của địa hình dẫn đến xuất phát điểm thu nhập và các mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội của người dân ở các địa bàn vùng sâu vùng xa là đặc biệt khó khăn. Mặc dù thời gian qua đã có những kết quả rất tốt nhưng so với bình quân của cả nước hoặc bình quân của địa bàn đó, tỉnh đó thì mức độ còn rất thấp.

Trong các giai đoạn tới, khi chuẩn nghèo đã được điều chỉnh thay đổi thì phải đồng bộ với mức độ thiếu hụt và sẽ được giải quyết bằng các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, giải quyết thiếu vốn, chăm sóc sức khỏe, vấn đề việc làm và đào tạo nghề… 

Quan trọng nữa là đời sống của người dân phải tăng lên. Vấn đề đó sẽ được giải quyết bằng thu nhập tại chỗ với những người không đi làm nơi khác, cụ thể là mô hình kinh tế hộ gia đình. Người lao động có thể tham gia chuỗi giá trị liên kết để phát triển kinh tế rừng. Ngoài ra, có mô hình rất hay mà đồng bào đang làm là du lịch sinh thái, homestay…

Tuy nhiên, cũng phải có các chính sách hỗ trợ những người có tư duy, trình độ để thu hút lao động địa phương, trong đó có người nghèo làm việc. Người nghèo có thể sản xuất sản phẩm bản địa bán cho khách du lịch… Những lao động trong độ tuổi phải được tham gia đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động… Như vậy mới tạo thu nhập cao cho các hộ gia đình. 

Cách giải quyết vấn đề nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số phải đi từ các giải pháp tổng thể nhưng thu nhập vẫn phải ưu tiên cùng với việc nâng cao tiếp cận dịch vụ xã hội.

Vấn đề nghèo đa chiều ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là từ thu nhập.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, gần đây có ý kiến cho rằng quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc tiếp cận chuẩn nghèo đang gặp khó khăn và có thể gây cản trở cho hộ nghèo được hưởng các chính sách. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Trường Thi: Đây là quan điểm sai, bởi nếu tỷ lệ chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 điều chỉnh nâng cao lên, tỷ lệ nghèo sẽ cao hơn thì sẽ có nhiều khác biệt, sẽ có nhiều thôn bản khó khăn hơn, nhiều đối tượng sẽ được hỗ trợ hơn.

Thứ nhất: Đừng nên đánh giá mức độ giảm bao nhiêu phần trăm. Cái đó rất cần thiết nhưng không phải là quan trọng. Quan trọng nhất là xác định được đúng đối tượng cần hỗ trợ. Sự thay đổi chuẩn nghèo cứ 5 năm lại điều chỉnh một lần, kể cả thu nhập cũng nên điều chỉnh cho phù hợp với mức độ kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ hai: Phải xác định được ngưỡng và thước đo giai đoạn trước là bao nhiêu. Rất mừng sau khi điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thì một số chỉ tiêu mức độ thiếu hụt của nhóm đồng bào dân tộc ở miền núi phía Bắc còn thấp hơn cả vùng đồng bằng sông Hồng. Đó là mức độ tiếp cận của đồng bào dân tộc đã tốt hơn vì được Nhà nước hỗ trợ. Ví dụ về bảo hiểm y tế, bà con ở miền núi được hỗ trợ 100%, chỉ trừ những vùng đã hoàn thành nông thôn mới, khu vực thị trấn, còn các xã đặc biệt khó khăn trong khu vực này được hỗ trợ hết. 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, để phát huy hơn nữa hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khơi dậy tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì chúng ta phải làm gì? 

Ông Hoàng Xuân Lương: Có 3 vấn đề đang rất cấp bách hiện nay. 

Thứ nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã được thực hiện tốt. Tôi mong muốn, đề nghị Đảng, Nhà nước, các ngành các cấp đặc biệt là Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tham mưu cho Quốc hội, cho Chính phủ xây dựng Luật Dân tộc. Xây dựng được Luật Dân tộc mới đảm bảo sự gắn kết 66 bộ luật hiện đang liên quan đến dân tộc thiểu số. Một bộ luật thống nhất mới đảm bảo tính đồng bộ kết nối, tránh chồng chéo. 

Ví dụ, muốn tăng cường cán bộ dân tộc thiểu số về các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn nhưng vướng Luật Công chức, viên chức. Muốn giải quyết tất cả những dự án ở vùng dân tộc thiểu số có nguồn vốn thấp 2 tỷ đồng để chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế thì lại vướng Luật Đầu tư công. Nếu không giải quyết về luật sẽ rất khó khăn. 

Thứ hai, Quốc hội phải xây dựng lại hai bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc miền núi: Tiêu chí phân định vùng cao, miền núi hay tiêu chí phân định trình độ phát triển của các dân tộc.

Thứ ba, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đang phối hợp rà soát để 3 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu của các bộ ngành đảm bảo sự gắn kết, tránh chồng chéo, tránh trùng lặp và tạo nên nguồn lực tốt, từ đó việc triển khai trong thực tiễn tốt hơn. 

Ví dụ một huyện có rất nhiều chương trình về nước sạch từ chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu… nhưng chính quyền không thể lồng ghép lại với nhau để xây dựng thành công trình nước sạch hiện đại cho địa bàn nghèo đó. Điều này chứng tỏ, sự đồng bộ và gắn kết của các chương trình chưa tốt, trong khi ta còn nghèo, nguồn lực mỏng lại bị phân tán. Như vậy, sẽ khó tạo được sự đột phá. 

Về giải pháp để xử lý, tôi kiên trì với quan điểm tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi đó là mục tiêu hết sức quan trọng. Tiếp đó là giải quyết ngay những vấn đề bức bách mà 10 dự án Chính phủ đã nêu ra, trong đó đặc biệt là đất sản xuất, nước sinh hoạt. 

Tôi xin nói thêm về đất sản xuất. Qua quá trình khảo sát toàn bộ đất sản xuất của miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay đặc biệt người Khmer, người Chăm hoàn toàn thiếu đất sản xuất và đang có xu hướng làm thuê để đảm bảo sinh kế hàng ngày. Nhà nước cần xem xét, bổ sung thêm mục tiêu của chính sách đất đai.

Chúng ta nói là giải quyết đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số thì không phải chỉ tập trung vào mục tiêu đi tìm đất để giao đất cho người dân tộc. Có thể điều chỉnh mục tiêu là tạo ra việc làm để người dân có cuộc sống ổn định ở những nơi thiếu đất sản xuất, chứ không phải cứ đi tìm đất, bởi nhiều vùng, đất còn đâu mà cứ đi tìm rồi mua, tìm mọi cách để giao cho dân. Ta giao xong họ lại chuyển nhượng, bán cho các hộ khác. Như vậy, phải rà soát thật kỹ để chính sách giao đất đạt được mục tiêu, yêu cầu phải chuyển đổi nghề thế nào để người dân ổn định cuộc sống chứ không chỉ chú trọng vào mục tiêu có đất sản xuất.

Một bộ luật thống nhất đảm bảo tính đồng bộ kết nối, tránh chồng chéo. 

Nhà báo Diệu Bình: Xin ông Ngô Trường Thi cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Ngô Trường Thi: Tôi thấy rằng, khơi dậy ý thức của người dân là cốt lõi, là chìa khóa thành công thực hiện chương trình. Quay lại mô hình của Hàn Quốc, phong trào Làng mới cũng đi từ khơi dậy lòng tự tôn, tự trọng dân tộc, chăm chỉ đoàn kết tạo ra một phong trào sâu rộng, ảnh hưởng trong khu vực nông thôn và đã tạo ra thành quả rất lớn ở thập niên 70 của thế kỷ trước. 

Theo tôi, có chính sách, có nguồn lực nhưng không có người dân tham gia là thất bại. Ở đây, không phải họ không chủ động mà họ không được tham gia. Chúng ta cứ áp đặt cái mà người dân không muốn, không quen, cứ bắt người dân phải làm thì không được. Chính sách hỗ trợ phải gắn với điều kiện.

Như tôi đã nói, hỗ trợ đàn dê nhưng gắn với điều kiện phải tự làm chuồng và khi có hiệu quả thì luân chuyển cho hộ khác vài con chứ không phải là cho không. Những đối tượng người nghèo không có khả năng tham gia thực hiện sẽ chuyển sang chính sách trợ cấp (người khuyết thật, người lớn tuổi không nơi nương tựa…).

Tiếp đó, lựa chọn mô hình nhóm cộng đồng và tìm ra người đứng đầu tâm huyết làm thí điểm, từ đó tạo ra sự lan tỏa. Ví dụ như già làng, trưởng bản, hiện nay vai trò lãnh đạo của họ chỉ thể hiện ở mặt tâm linh, còn vấn đề phát triển kinh tế - xã hội chưa phát huy được. 

Một câu chuyện điển hình là nhóm của Quang Linh Vlog ở châu Phi. Bên đó già làng, trưởng bản có uy rất lớn với người dân, tác động đến đời sống kinh tế. Nhóm của Quang Linh đã tác động từ những đối tượng này để thay đổi đời sống, hướng dẫn họ làm kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi…

Những việc gì dân không thể làm được thì thông qua một doanh nghiệp, doanh nghiệp dân doanh, không cần doanh nghiệp lớn. Khi doanh nghiệp khai thác được tiềm năng, thế mạnh thì có chính sách hỗ trợ phù hợp. Quan trọng làm sao để người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi có thể tham gia. Phải đi từ cái cụ thể, nếu to tát, vĩ mô quá thì người dân sẽ chỉ đứng nhìn và không tham gia được. Muốn khơi dậy ý chí tự lực của họ thì phải đặt người dân là chủ thể, nếu không, mọi thứ đều không có ý nghĩa. 

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư

Nhà báo Diệu Bình: Ông Hoàng Xuân Lương là người gắn bó rất nhiều năm với công tác dân tộc thiểu số và miền núi. Ở góc độ của mình, xin ông đánh giá về lợi ích mà người dân khu vực này được hưởng từ chính sách mới của Nhà nước?

Ông Hoàng Xuân Lương: Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Ngô Trường Thi ở việc tiếp cận nghèo thì không chỉ có thu nhập mà tiếp cận theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, đó là nghèo đa chiều. Nghĩa là ngoài thu nhập, khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân được đưa vào đánh giá và các tiêu chí đánh giá thì nhiệm kỳ 5 năm một lần lại nâng cao. Khi nâng cao lên là hoàn toàn chính xác chứ không phải là vì khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà lại hạ xuống. 

Giống như quan điểm xây dựng nông thôn mới, một số lãnh đạo đã phân vân khi áp dụng 19 tiêu chí nông thôn mới cho vùng dân tộc thiểu số thì có nên hạ thấp các tiêu chuẩn của các tiêu chí không? Chúng tôi không đồng tình hạ thấp tiêu chuẩn mà phải đảm bảo nông thôn mới thì ở vùng dân tộc thiểu số cũng đáp ứng đủ các yêu cầu tiêu chí như miền xuôi.

Quan điểm xây dựng tiêu chí đa chiều hoàn toàn đúng. Chỉ có trên cơ sở đặt đúng điều kiện phát triển thì người dân tộc thiểu số mới ý thức được mình đang ở đâu, đang đứng ở điểm nào để phấn đấu vươn lên. Theo tôi, các giai đoạn sau chắc sẽ chỉ còn 1 chương trình mục tiêu quốc gia, còn lại sử dụng chính sách để tác động đến các đối tượng nghèo ở phạm vi khác. Như vậy sẽ phù hợp hơn và đây là điều đáng mừng cho đồng bào dân tộc miền núi chứ không phải là vấn đề đáng lo.

Nhà báo Diệu Bình: Những năm qua, Nhà nước đã ban hành các cơ chế, ưu tiên nhiều nguồn lực tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vậy, việc linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, các chương trình đã mang đến những lợi ích gì và diện mạo kinh tế - xã hội tại các địa phương miền núi có sự thay đổi tích cực ra sao, thưa ông Ngô Trường Thi?

Ông Ngô Trường Thi: Việc lồng ghép là do quy định của Nhà nước. Một kết quả đạt được của mục tiêu nào đó không phải kết quả trực tiếp từ chương trình mà phải từ tổng thể. Sự phát triển của xã hội, đất nước là quan trọng nhất. Các chương trình để trám vào chỗ còn thiếu hụt vì chương trình không thể mang lại hệ quả trực tiếp đến một điạ bàn, vùng dân cư nào cả. 

Từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu không có những tuyến đường giao thông thông suốt từ trung tâm cả nước đến các trung tâm các tỉnh rồi liên tỉnh thì không bao giờ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có đường giao thông từ tỉnh đến các trung tâm huyện thì không bao giờ các thôn bản, xã phát triển được. Những chương trình khác như chương trình giáo dục, y tế có tác động đến người dân rất nhiều. Đó là cái lồng ghép đầu tiên. 

Tiếp đến là hệ thống chính sách tác động rất nhiều đến người dân được hưởng lợi trực tiếp. Các chương trình dự án chỉ tập trung ở địa bàn nhiều hơn hoặc có người dân thụ hưởng chỉ ở trong một số các nhóm nhỏ mà thôi. 

Cuối cùng còn có các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế. Giai đoạn trước, họ hỗ trợ về kiến thức, cách tiếp cận, kỹ thuật, vốn và là nguồn lực rất quan trọng. Ngoài ra, nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…

Tôi cho rằng, thành công của một chương trình mục tiêu là tổng hòa các nguồn lực. Quan trọng nhất là biết sử dụng các nguồn lực đó hiệu quả và biết khơi dậy, đừng để các nguồn lực ngày càng tàn lụi đi. Đó là một câu hỏi: Làm sao để người dân có thể là nhiệt tình tham gia? Người dân không có tiền thì tham gia bằng sức, đóng góp bằng các kinh nghiệm. Làm sao để các nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ chương trình phát triển xã hội với các chương trình đặc thù có thể gắn với nhau. Muốn phát huy hiệu quả việc lồng ghép các nguồn lực thì phải có một cơ chế rất rõ ràng để các cấp thực hiện dễ dàng còn không thì rất khó, 

Trở lại vấn đề phải có các cơ chế chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, chúng ta đừng mong muốn doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn. Chỉ có các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác các tiềm năng thế mạnh của vùng đó để người dân có thể tham gia chuỗi sản xuất. Phải có cơ chế để người dân phát huy được nội lực, tức làm chủ thể chứ không phải đối tượng bị tác động, tham gia bằng sức lao động, hiểu biết của mình…. Đó mới gọi là lồng ghép có hiệu quả. 

Tốt nhất là giao vốn cho các địa phương thực hiện, còn cấp trên chỉ quản lý mục tiêu. Đồng thời ban hành một khung, địa phương được làm gì, không được làm gì để thuận tiện hơn trong quá trình triển khai. 

Huy động được sức dân sẽ tạo sự lan tỏa, tác động giảm nghèo rất tốt.

Nhà báo Diệu Bình: Theo ông Ngô Trường Thi, thời gian tới Việt Nam cần ưu tiên những vấn đề gì để tạo chuyển biến rõ nét ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững?

Ông Ngô Trường Thi: Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng, quốc gia dẫn đầu về giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ là các tổ chức quốc tế rất hài lòng về cách làm của Việt Nam. 

Trước đây, các tổ chức quốc tế lớn như World Bank, UNDP rất quan tâm đến vùng dân tộc miền núi. Đấy là mục tiêu của họ và chúng ta cũng hoàn toàn ủng hộ. Chúng ta tận dụng được cơ hội giảm nghèo nói chung và từng bước đi đúng hướng bởi nghèo đa chiều là một cách tiếp cận mới. Hiện nay có khoảng 40 quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi nhưng chỉ phương pháp luận là chủ yếu để giám sát và đánh giá, còn tác động trực tiếp như ta thì lại không có. 

Tôi đã đến Mexico, đây là một quốc gia làm phương pháp luận cực tốt nhưng họ cũng chỉ dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê để giám sát, đánh giá các mức độ thay đổi, thâm hụt. Tôi cũng đi Colombia hay Brazil nhưng không có quốc gia nào làm như Việt Nam. 

Từ đo lường đó Việt Nam đã chuyển thành chính sách. Cả 6 chiều và 12 chỉ số cơ bản đều có chính sách tác động, tất nhiên không phải chỉ từ chương trình này mà từ các chính sách khác. Theo tôi giảm nghèo chung phải trên cơ sở thiếu hụt của người dân ở các chiều, các chỉ số và phải có các tác động. 

Ở đây, có những hạng mục Nhà nước làm, hỗ trợ nhưng có hạng mục người dân phải tự làm từ thu nhập của mình. Tôi nghĩ chúng ta đi được giai đoạn này và 5 năm nữa, chắc chắn các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ đề ra sẽ thực hiện được, thậm chí về đích sớm như việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.

Với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đây là một cơ hội rất tốt để có thể phát triển với một tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, phải nghiên cứu, tính toán kỹ để thực sự hiệu quả, quan trọng là các tiêu chí đánh giá đời sống của người dân phải được nâng lên. Bộ mặt của các thôn, bản đặc biệt khó khăn phải được cải thiện, sức sản xuất, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc… 

Những điều đó thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế là cam kết thực hiện với mục tiêu vì dân giàu vì nước mạnh đảm bảo hạnh phúc cho tất cả cả mọi người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu nông nghiệp là một trong những mục tiêu trọng điểm được Đảng và Chính phủ rất quan tâm triển khai thực hiện. Chương trình này đã tác động thế nào đến chương trình giảm nghèo bền vững?

Ông Hoàng Xuân Lương: Khi xây dựng chương trình nông thôn mới của Việt Nam, tôi liên tưởng đến đến hai quốc gia ở châu Á có điều kiện tương đồng Việt Nam mà đã làm thành công. 

Đó là phong trào Làng mới ở Hàn Quốc và dự án Hoàng Gia của Thái Lan. Đây là hai dự án thu được nhiều thành công của nước bạn. Họ đi theo hướng xây dựng một bộ tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn (thôn, làng, xã). Sau khi xây dựng xong xã thì liên kết sang xã bên cạnh, lan tỏa dần và cuối cùng tạo thành một mạng lưới phát triển đồng bộ trên cả nước. 

Thành công của phong trào Làng mới ở Hàn Quốc và dự án Hoàng Gia Thái Lan là những bài học rất bổ ích cho việc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Tôi tin rằng những người xây dựng chương trình nông thôn mới của Việt Nam đã học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc và Thái Lan. 

Chương trình nông thôn mới được xây dựng đồng bộ nên có tác động to lớn và toàn diện. Tính độc đáo, thành công của nông thôn mới chính là tìm ra được cơ chế để huy động sức dân thành công. Ví dụ, các chương trình khác hiện chưa giao cho dân làm, toàn doanh nghiệp nơi khác đến làm nhưng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động được sức dân. Dân hiến đất làm đường, Nhà nước không phải đền bù. Nhà nước cho xi măng, cát, sỏi, hướng dẫn kỹ thuật còn người dân bỏ công lao động đổ bê tông làm đường, trồng cây…. thế là kết nối từ thôn này sang thôn kia và người dân hoàn toàn tự nguyện làm việc.

Tôi cho rằng, thành công nhất của xây dựng nông thôn mới chính là điểm này, các chương trình khác chưa dám làm thì phải dũng cảm đột phá để làm. Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới huy động được hàng ngàn công lao động, hàng ngàn km đường giao thông các xã phường… phần lớn là sức dân. Cơ chế huy động được sức dân là thành công nhất của chương trình, tạo sức lan tỏa, tác động giảm nghèo đến người dân rất là tốt. 

Khi hạ tầng kết cấu thông suốt, khuyến nông vào thì rõ ràng tỷ lệ nghèo của vùng đó sẽ giảm. Sự gắn bó giữa chương trình nông thôn mới và các chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số cần được tăng cường gắn kết, phối hợp tốt hơn.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Nhà báo Diệu Bình: Tại hội nghị toàn quốc tổng kết kết công tác giảm nghèo 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, dân trí giáo dục dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xin ông Ngô Trường Thi chia sẻ về chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như vai trò của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục vào đào tạo nghề với công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi?

Ông Ngô Trường Thi: Khi chuẩn bị xây dựng chương trình phát triển vùng dân tộc miền núi, có một số liệu đánh giá làm tôi hơi bất ngờ là tỷ lệ lao động qua đào tạo của các khu vực này chỉ 6%, so với cả nước là khoảng 23 - 24%. Đây một thực trạng rất bức xúc bởi với trình độ, chất lượng nguồn nhân lực như thế thì không thể phát triển kinh tế - xã hội. Ở đây có hai vấn đề là giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Với giáo dục, hiện nay cơ sở trường lớp ở các địa bàn này nói chung đã được đầu tư tương đối, học sinh không phải học ca ba; các lớp mở ở thôn bản vùng sâu vùng xa thì cơ sở vật chất là ổn. 

Chính sách đối với các cháu đi học đã có, quan trọng nhất là phải quan tâm để học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi và không bỏ học, bởi nhiều khi bỏ học còn rất nhiều yếu tố: Gia đình khó khăn quá, phải phụ giúp gia đình, đặc biệt bỏ học do hủ tục con gái phải ở nhà đi lấy chồng, chỉ cho con trai đi học. Vấn đề này phải làm tốt từ khâu tuyên truyền, vận động để các cháu không bỏ học. Đây là cách căn cơ nhất vì các cháu không có kiến thức thì sau lớn không làm được gì. 

Đối với đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số miền núi phải đi vào cụ thể, không nên “đao to búa lớn”. Trong cộng đồng dân cư phải phân loại để có hướng đào tạo phù hợp, như người lớn tuổi, người không thể đi làm xa thì hỗ trợ sinh kế tại chỗ, xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi, trồng trọt… đủ ăn là được. Vấn đề là phải có kiến thức và quan trọng là nếu làm tốt thì phải gắn với thị trường.

Ngoài ra, đối với những người không đi làm xa được nên đào tạo để họ tham gia chuỗi giá trị về kinh tế rừng, hoặc du lịch sinh thái bảo tồn hay homestay. Khi đã phát triển những mô hình đó, người dân muốn tham gia làm việc phải có kiến thức, phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt để tham gia chuỗi thị trường lao động, chuỗi kinh tế đó. Với những người nghèo, người dân tộc thiểu số, đừng bắt làm nhiều thứ quá, chỉ làm cái gì mà họ có thể làm được và cảm thấy hạnh phúc. 

Đối với chính sách đào tạo nghề, có cả đào tạo nghề lao động cho học sinh phổ thông, cho các cháu có thể đi xa. Đào tạo nghề phải gắn với địa chỉ cụ thể chứ không đào tạo nghề chung chung để khi ra nghề là phải có nơi nhận. Có thể là doanh nghiệp ở địa phương, doanh nghiệp ở ngoài địa phương rồi tham gia xuất khẩu lao động cũng rất tốt.

Cách đây 10 năm, các cháu thanh niên dân tộc thiểu số miền núi ngại đi xa nhưng bây giờ có mặt ở khắp nơi. Ngay Hà Nội, nhiều cháu ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang làm nghề sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa. Hay nhiều cháu thợ xây cũng là người ở vùng cao, rồi đi làm công nhân cho Samsung, ở Quảng Ninh rất nhiều. Đó là một điều tốt. rất mừng vì các cháu đã dám đi xa.

Bây giờ tạo thêm cơ hội để các cháu có thể đi xa, có được tay nghề, việc làm tốt hơn. Khi có được việc làm ổn định sẽ giải quyết được vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sau này cùng với các nguồn lực trong gia đình, có thể giải quyết vấn đề nhà ở một cách bền vững. 

Vấn đề đào tạo nguồn lực đối với chương trình giảm nghèo hay chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi nên hướng vào vấn đề cụ thể đó. Quan trọng nhất là đào tạo nghề, khi ra nghề phải có việc làm. Như vậy tạo được niềm tin và lôi kéo, vận động được các cháu khác cùng đi. Đây cũng là một cách giải quyết chiều thiếu hụt trong các tiêu chí nghèo đa chiều hiện nay còn cao trong các nhóm dân tộc thiểu số miền núi. 

Trong cộng đồng dân cư phải phân loại để có hướng đào tạo phù hợp. 

Nhà báo Diệu Bình: Ông Hoàng Xuân Lương có thể chia sẻ một số câu chuyện thực tế về công tác phát triển nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương này ra sao, xin mời ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số. Cách đây 10 năm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi nhận được tiền vay vốn không lãi suất của ngân hàng, ông chồng mang đi mua rượu, bà vợ lo lắng quá mới lấy tiền vào cuộn lại và cho vào ống nứa giấu đi. Lúc đấy nhận thức là như thế nhưng bây giờ về vùng dân tộc thiểu số, các gia đình, các hộ đều biết làm kinh tế, đã biết phát triển du lịch sinh thái, homestay. Đây là bước tiến rất lớn nhờ sự phát triển nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, đi giám sát, kiểm tra cùng các đoàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy thành công nhất của giáo dục dân tộc chính trường dân tộc nội trú. Nhà nước cần có chính sách mở rộng và phát triển các trường dân tộc nội trú, đó là một hướng rất quan trọng. 

Ngoài ra, rất cần quan tâm đến giáo dục mầm non của vùng dân tộc thiểu số. Khi vào học lớp 1, vì sao các em dân tộc thiểu số chưa theo kịp các em miền xuôi bởi vì chưa đủ vốn ngôn ngữ tiếng Việt để tiếp thu kiến thức. Đây chính là cái gốc của vấn đề khiến thiếu hụt kiến thức của người dân tộc thiểu số. Vấn đề giáo dục mầm non ở vùng dân tộc thiểu số phải đặt ra mục tiêu quan trọng là đảm bảo đủ nguồn vốn tiếng Việt để các cháu bước vào tiểu học và các cấp phổ thông. Hiện nay, mục tiêu này chưa đặt ra và chưa làm tốt. 

Tiếp đến là vấn đề bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số. Hiện nay, Đảng ta có chủ trương không bố trí các vị trí chủ chốt là người địa phương. Việc luân chuyển cán bộ là tốt nhưng riêng ở vùng dân tộc thiểu số thì lại có vấn đề bởi người dân tộc thiểu số là do đặc thù trong sinh hoạt truyền thống gắn với dòng tộc, gia đình, gắn với địa phương. Vì vậy, sử dụng bố trí đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phải hết sức cân nhắc trong việc luân chuyển địa bàn. Có thể không để tỉnh này với tỉnh kia mà chỉ trong phạm vi huyện này huyện kia, họ vẫn có thể ở vùng dân tộc Thái này rồi ngày sang công tác ở vùng dân tộc Thái khác của một huyện khác thì hợp lý hơn.

Cuối cùng là tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ít nhất cũng phải đảm bảo tương xứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm ở trong dân số. 

Nhà báo Diệu Bình: Nếu hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới đã mang lại một diện mạo mới khởi sắc, khang trang hơn cho các xã khó khăn thì hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất lại là cơ sở cho bước tiến nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của bà con. Quan điểm của ông Hoàng Xuân Lương về ý kiến này thế nào?

Ông Hoàng Xuân Lương: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Hiện nay, trong các chương trình mục tiêu quốc gia đều có mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất. Vấn đề quan trọng nhất là lồng ghép thế nào trên một địa bàn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, bền vững. 

Khi xây dựng kết cấu hạ tầng, có đầy đủ tất cả giao thông, điện, nước, thủy lợi thì đó chính là điều kiện phát triển sản xuất. Khi có hạ tầng thì điều kiện về hợp phần hỗ trợ sản xuất mới có cơ sở để triển khai các mục tiêu của sản xuất. Qua đó đảm bảo đời sống ổn định nên nhận định trên là hoàn toàn chính xác.

Nhà báo Diệu Bình: Xin mời ông Ngô Trường Thi cho biết quan điểm mình?

Ông Ngô Trường Thi: Cơ sở hạ tầng chỉ là cái vỏ, cái lõi cái hồn phải là sức sản xuất. Sức sản xuất mới thể hiện được năng lực của người dân, còn hạ tầng chủ yếu là bên ngoài, chưa thể hiện được nội dung bên trong nông thôn mới. Người ta gọi là hình thức sản xuất, phải có hợp tác, có liên doanh liên kết, phải tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị… 

Tôi cho rằng, để thay đổi bộ mặt nông thôn mới thì ngoài hạ tầng phải thay đổi từ cách sản xuất, cách lựa chọn sản phẩm. Ngoài ra, đó còn là bộ mặt văn hóa của vùng, không chỉ là con đường, nhà cửa đẹp, cách ứng xử của người dân với nhau, tình làng nghĩa xóm, truyền thống của cộng đồng như thế nào mà phải tạo ra một sản phẩm có một chuỗi giá trị, gắn với thị trường. Vấn đề này không chỉ trong chương trình nông thôn mới, kể cả trong giảm nghèo và phát triển xã hội vùng dân tộc miền núi cũng thế. 

Khi đã sản xuất sản phẩm hàng hóa thì phải thực hiện đúng theo quy luật thị trường là thị trường cần gì, chứ không phải làm cái gì mà chúng ta có. Bài học kinh nghiệm Làng mới ở Hàn Quốc rất ấn tượng, giúp giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giảm áp lực cho khu vực thành thị. Đây chính là để phát huy những thành quả đạt được.

Thu hút nhiều nguồn lực thì đồng bào nghèo sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, từ đầu chương trình đã đề cập một số vấn đề về nguồn lực và thu hút đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Vậy phải làm gì để thu hút nhiều hơn nữa những nguồn lực này trong tương lai, xin mời ông Hoàng Xuân Lương?

Ông Hoàng Xuân Lương: Các chính sách rất tốt nhưng đang thiếu nguồn lực, ý tôi muốn nói đến nguồn lực Nhà nước. Điều kiện đất nước vừa qua chiến tranh, kinh tế đang phát triển, mới qua khỏi đất nước nghèo, bước vào trung bình, thực chất là trung bình thấp. Cho nên chưa đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách. 

Do đó, Đảng và Nhà nước cần rà soát lại hệ thống chính sách, luật pháp để mở cửa, đón tiếp, thu hút nguồn lực của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam quy định về các quy trình tiếp nhận nguồn vốn có yếu tố nước ngoài còn quá nhiều bất cập, chưa tạo được thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ hướng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nghèo. Trong khi rất nhiều tổ chức hoạt động có tôn chỉ mục đích, có văn phòng tại Việt Nam được cấp phép nhưng đi vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn. 

Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu lại vấn đề này. Về mặt quản lý đất nước, có cả bộ máy quản lý, ai làm trái pháp luật, vi phạm pháp luật đều bị xử lý, kể cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta có bộ máy pháp luật, không phải vì đảm bảo an ninh trật tự xã hội mà lại cản trở việc thu hút các nguồn lực của bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, tư duy này phải cân nhắc lại. 

Tôi đi kiểm tra, tham gia xây dựng các chương trình ở các địa phương thì tôi thấy tỉnh Bắc Kạn là một mô hình tốt từ thái độ chân thành cho đến các cơ chế đón tiếp, triển khai thực hiện. Dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận các nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ nên là một trong những điển hình ở phía Bắc.

Những năm qua, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế hướng về Bắc Kạn để giúp đỡ chính vì từ chính sách hiểu được sức phát triển của địa phương rất cần các nguồn lực dù là một lượng rất nhỏ, mỗi tổ chức rất ít nhưng tỉnh tạo thông thoáng để nhiều tổ chức ủng hộ. Tôi cho rằng, các tỉnh nên học tập theo mô hình của Bắc Kạn. Từ đó Nhà nước cần điều chỉnh Nghị định 80 để thu hút được sự ủng hộ, đầu tư của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, làm sao có thể thu hút các nguồn lực như ông đã chia sẻ ở đầu chương trình?

Ông Ngô Trường Thi: Trong tổ chức thực hiện chương trình thì nguồn lực ngân sách nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng để hiệu quả hơn thì tất cả các chương trình đều huy động các nguồn lực khác. 

Doanh nghiệp xác định mục tiêu là lợi nhuận, có lợi thì làm, không có lợi thì không làm. Do vậy, nếu không có lợi thì bắt họ cũng không làm, còn có lợi mà không cho làm thì họ cũng làm. Quan trọng nhất là tạo được môi trường để họ có thể khởi nghiệp, làm được. Ở đây, cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư từ chính sách sử dụng đất, khai thác tài nguyên rừng hay chính sách thuế... để doanh nghiệp yên tâm bỏ tiền đầu tư.

Đối với địa bàn, cứ mỗi xã được một vài doanh nghiệp dân doanh thì rất tốt. Kể cả nông thôn mới cũng phải đi theo hướng này mới tạo ra được việc làm tại chỗ cho người dân. Người dân có được các sản phẩm thủ công, các sản phẩm từ rừng mang bán… đó cũng là một hướng hay.

Đối với các nhà hảo tâm, tôi vẫn băn khoăn câu chuyện tại sao lại có những nhóm người, những nhà hảo tâm được người dân tin tưởng, chuyển tiền để làm từ thiện, xây dựng hạ tầng, mô hình kinh tế… Nó liên quan đến vấn đề minh bạch. Ai đứng ra làm vấn đề này, tôi nghĩ phải xây dựng hình ảnh, truyền thông. Qua truyền thông từ người thật việc thật thì thu hút được nguồn lực đầu tư. Như trường hợp Quang Linh Vlog ở châu Phi, họ thu hút được nguồn lực từ Việt kiều, từ trong nước mà chúng ta lại không làm được. 

Đây là điều tôi mong muốn nghiên cứu, trả lời và tìm ra cách để thu hút vì đây là nguồn lực rất quan trọng. Nếu thu hút được nguồn lực này thì đồng bào, người nghèo sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Thưa quý vị và các bạn, giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cấp bách để giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn. Hy vọng thông tin trong chương trình giải đáp phần nào những vấn đề quý độc giả quan tâm.

Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham dự tọa đàm. Xin chào vào hẹn gặp lại quý độc giả trong các chương trình sau. 

Trần Kiên, Thanh Bình, Duy Tiến, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Thảo, Quang Thậm và nhóm PV 

Phát huy vai trò người có uy tín truyền tải chính sách tới các dân tộc Hà Giang

Trong những năm qua, việc phát huy tốt vai trò của người có uy tín đã giúp tỉnh Hà Giang kịp thời truyền tải những chính chính sách, chủ trương đến tới công đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống để nâng cao đời sống vùng dân tộc Bắc Mê

Kể từ khi Nghị quyết 27 được đề ra và thực hiện, cuộc sống và kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Bắc Mê, Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực.

Vườn cam "chuyển đổi số", người dân dùng internet trao đổi với chuyên gia

Vườn cam chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ thông tin hiện đại để kết nối, tham vấn các chuyên gia đã trở thành mô hình đáng được nhân rộng của tỉnh Hà Giang.

Nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Quang Bình

Trong những năm qua, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhân thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

NTM Hải Dương: Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tại tỉnh Hải Dương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp đã cho những sản phẩm có giá trị cao.

Nghề truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn giúp giảm nghèo hiệu quả

Hiện nay, nhiều gia đình người Tày ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông, Bắc Kạn) mỗi ngày sản xuất gần 1 tạ phở khô, giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tháng lãi hơn 10 triệu đồng góp phần không nhỏ nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Tín dụng chính sách đồng hành cùng bà con Vĩnh Long thoát nghèo

Sự đồng hành của đồng vốn tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong 20 năm qua đã thực sự là động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế chung trên địa bàn.

Phụ nữ Cơ ho làm giàu từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Từ làm nông nghiệp công nghệ cao, bình quân mỗi năm khu vườn hơn 2 ha ớt chông của gia đình chị Hồng có thể thu về 6 - 7 tỷ đồng.

Người dân Bình Thuận giảm nghèo, có nước sạch nhờ vốn vay ưu đãi

Trong những năm qua, vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo và gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở Bình Thuận.

Giải pháp giảm nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số

Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc giảm nghèo thông tin, hỗ trợ người dân tiếp cận Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn nhiều khó khăn.