LTS: Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng, thuốc lá điện tử không độc hại lại thơm miệng, thể hiện sự sành điệu. Thực tế, ngoài lượng nicotine được “chế” đa dạng, chất tạo màu, mùi hấp dẫn… các chuyên gia còn phát hiện trong một số mẫu thuốc lá điện tử có ma túy tổng hợp và các chất nguy hại khác.

Tuyến bài “Thuốc lá điện tử, hiểm họa khôn lường” của VietNamNet nhằm cung cấp thông tin về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở người trẻ và hậu quả từ việc sử dụng loại thuốc lá này. Loạt bài cũng góp tiếng nói để cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp kịp thời bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kỳ 1: Thứ đáng sợ tràn vào trường, nam sinh thử một lần bất tỉnh nhân sự
Kỳ 2: Độc tố đáng sợ mua dễ như rau, học sinh thi nhau đặt hàng
Kỳ 3: Tiết lộ rùng mình của người bán về món đồ ‘dân chơi’ học đường mê mẩn
Kỳ 4: Học sinh 'phả khói' vào mặt bạn, nhà trường đau đầu tìm cách ngăn chặn
Kỳ 5: Con buôn lách luật buôn 'hàng khói', công an vạch rõ điểm hở pháp lý

Dưới mác của một loại sản phẩm thời thượng, dễ tiếp cận, thuốc lá điện tử đã nhanh chóng tràn vào giới học đường. Nhiều học sinh, sinh viên khi được hỏi bộc bạch, bản thân biết đến thuốc lá điện tử thông qua lời giới thiệu, rủ rê từ bạn bè.

Bằng cách mời mọc, rủ rê bạn bè “chơi chung”, “thử phê khói”, “chỉ chill chứ không nghiện”… người sử dụng thuốc lá điện tử giăng ra những cái “bẫy khói” thu hút vô số nạn nhân là học sinh, sinh viên.

Thế nên, vấn đề bảo vệ, cung cấp kỹ năng cho giới học đường nói riêng, giới trẻ nói chung thoát khỏi những cái “bẫy khói” từ thuốc lá điện tử là điều vô cùng cần thiết.

Một học sinh phả khói thuốc lá điện tử vào bạn cùng bàn. 

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giám sát, tuyên truyền.

Theo chuyên gia, ở độ tuổi mới lớn, các em thường bị thu hút bởi nhiều thứ "lạ" và tò mò muốn khám phá, muốn thử. Đôi khi vì tâm lý sỹ diện, thích làm "anh hùng" mà các em khó khước từ lời mời gọi của bạn bè.

Vì những điều này, các em rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào những công việc, hành vi sai lệch. Hút thuốc lá truyền thống hay hút thuốc lá điện tử cũng là một trong những hành vi không tốt rất nhiều bạn trẻ đang làm.

Việc từ chối những lời rủ rê, mời mọc từ người khác là việc không đơn giản. Ngay cả đối với người lớn cũng khó có thể làm được chứ không riêng gì các bạn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Việc này đôi khi cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình, nhà trường...

Phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở con em mình về tác hại của thuốc lá cũng như khả năng gây nghiện của nó để các em sẵn sàng từ chối khi bị mời gọi.

“Khi phát hiện có trường hợp học sinh hút thuốc trong nhà trường, giáo viên và nhà trường cần thông báo với phụ huynh để phối hợp ngăn chặn và giáo dục các em.

Để giáo dục, ngăn chặn có hiệu quả cần phát huy vai trò phòng tham vấn tâm lý học sinh trong trường học.

Cần tìm hiểu lý do học sinh hút thuốc: muốn tìm cảm giác lạ, muốn trở nên "ngầu" hay có những rối nhiễu về mặt tâm lý và tìm đến thuốc lá như một sự bù đắp?

Chỉ khi biết lý do chúng ta mới giải quyết được triệt để việc hút thuốc lá đối với các em học sinh.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tìm hiểu nơi cung cấp mặt hàng này cho con em để có thể ngăn chặn kịp thời.

Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền tới cộng đồng về việc bán thuốc lá cho học sinh là việc làm không tốt là hết sức cần thiết.

Có như vậy mới có thể hỗ trợ giải quyết ngọn ngành việc học sinh hút thuốc lá điện tử”, bà Phan Lan Hương nhấn mạnh.

Cần có chế tài

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Thành viên Ủy ban Xã hội Quốc hội Việt Nam, người lên án kịch liệt thuốc lá điện tử khẳng định: “Đứng dưới góc độ nào, tôi cũng thấy thuốc lá điện tử có hại không kém gì thuốc lá truyền thống”.

“Từ năm 2020, tôi đã cảnh báo nguy cơ người sản xuất đưa các chất ma túy vào trong dung dịch dùng cho thuốc lá điện tử. Và bây giờ, điều này đã thành sự thật. Bằng chứng là chúng ta ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc ma tuý do hút thuốc lá điện tử”.

Trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của thuốc lá điện tử đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là giới học đường, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần có chế tài, quy định đưa sản phẩm này vào danh mục cấm nhập khẩu, buôn bán.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí tha thiết mong Quốc hội phải có ý kiến để chấm dứt triệt để việc nhập khẩu thuốc lá điện tử vào Việt Nam. (Ảnh: Báo Chính Phủ).

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Nếu phát hiện trong dung dịch dùng để hút thuốc lá điện tử có chứa các chất ma túy dù ít hay nhiều thì nhà nước cần phải cấm loại sản phẩm này. Thậm chí, xử lý hình sự người bán, sản xuất, nhập khẩu".

Trong khi đó, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng Quốc hội cần có quy định nghiêm cấm nhập khẩu thuốc lá điện tử một cách triệt để. Ông nói: “Tôi đã nhiều lần lên tiếng một cách dữ dội về sự nguy hại của thuốc lá điện tử trên báo chí, nghị trường.

Tôi tha thiết Quốc hội phải có ý kiến để chấm dứt triệt để việc nhập khẩu thuốc lá điện tử vào Việt Nam. Và việc này cần phải làm ngay, làm càng sớm càng tốt. Bởi, nhân loại đã trả giá rất lớn cho thuốc lá truyền thống rồi, đừng để trả giá thêm cho thuốc lá điện tử nữa.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án mạnh mẽ và cấm triệt để thuốc lá điện tử. Do đó, chúng ta không nên chậm chân để trả những cái giá đắt cho việc ngày càng nhiều người biết, sử dụng loại sản phẩm độc hại này”.

Trong cuộc hội thảo về thuốc lá điện tử diễn ra mới đây, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Mẫu thuốc lá điện tử được bán tràn lan trên mạng.

Tại hội thảo về thuốc lá điện tử do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, ông Đoàn Ngọc Toàn - Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Chống buôn lậu Hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: Hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Công thương, các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS (tẩu rời) và tương tự chưa được nhập khẩu vào Việt Nam.

Do đó, hành vi nhập khẩu, mang theo các mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy vào Việt Nam dưới mọi hình thức không khai báo hải quan đều bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đầu năm 2021 cơ quan hải quan bắt giữ 2.300 điếu thuốc lá điện tử tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Gần đây, các lực lượng chức năng của Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt giữ xử lý gần 394 cây thuốc lá điếu điện tử mang vào Việt Nam qua đường hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 thì mặt hàng thuốc lá nói chung thuộc Danh mục mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện của Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

Do đó, đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng rất cần có chính sách quản lý thống nhất, phù hợp. Hiện nay, cơ quan hải quan đã, đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương (Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành) để thống nhất các quy định liên quan đến việc quản lý mặt hàng này.

Xem video: Học sinh hút thuốc lá điện tử, hậu quả khôn lường:

Xem video: Mua thuốc lá điện tử 'dễ như mua rau':

Nhóm PV