Chiều ngày 20/7, sau 42 ngày xuyên Việt - qua 63 tỉnh thành, đến 4 điểm cực đất nước, anh Trần Quốc Tiến (52 tuổi, Bình Định) trở về nhà bình an trong nụ cười chào đón đầy hạnh phúc của bà xã.

“Vợ đứng trước cửa đón tôi từ lâu. Hai vợ chồng nhìn thấy nhau, tự dưng bật cười hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì hoàn thành tâm nguyện cả cuộc đời còn vợ tôi hạnh phúc vì chứng kiến chồng trở về an toàn”, anh Tiến xúc động chia sẻ.

Cùng chiếc xe máy và một vali đồ, anh Tiến đã hoàn thành chuyến xuyên Việt với 4 chặng đường. Chặng 1: Từ Bình Định, đi theo quốc lộ 1 để tới Trà Cổ (Móng Cái), qua các tỉnh phía bắc và về Hà Nội. Chặng 2, từ Hà Nội đi Thanh Hóa, theo đường mòn Hồ Chí Minh vào khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Chặng 3, đi thăm các tỉnh miền Tây, cực Nam. Và chặng 4, từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về quê nhà Bình Định.

Anh Tiến lên lịch trình cẩn thận để “không đi lại đoạn đường đã qua, trừ trường hợp bất khả kháng”. Điều đó làm anh luôn cảm giác được sự mới mẻ, tò mò suốt chuyến đi.

Anh Tiến xe xuyên Việt bằng xe máy trong 42 ngày

Thầy giáo lái xe máy xuyên Việt kỉ niệm sinh nhật tuổi 52

Anh Trần Quốc Tiến là giáo viên dạy Tiếng Anh tại một trường Trung học cơ sở ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ nhiều năm trước, anh Tiến đã ấp ủ nguyện vọng được đi khám phá trọn 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, ngắm vẻ đẹp quê hương, đất nước.

“Trước đây, các con còn nhỏ, tôi chỉ dám ước chứ không có điều kiện thực hiện giấc mơ xuyên Việt. Sau này, tôi có hai lần ngỏ ý đưa con trai đi phượt xe máy nhưng vợ lo lắng, không đồng ý. Thường thì hai vợ chồng chỉ đi du lịch bằng xe máy các điểm quanh quanh, không quá xa”, anh Tiến tâm sự. “Đến bây giờ, khi con đã trưởng thành, điều kiện gia đình ổn định, tôi quyết tâm lên đường, có chuyến hành trình ý nghĩa kỉ niệm sinh nhật tuổi 52. Lần này, vợ và các con cũng ủng hộ, động viên tôi”, anh Tiến hạnh phúc nói thêm.

Trước chuyến đi, ngoài tìm hiểu thông tin, chuẩn bị sức khỏe, anh Tiến dành thời gian luyện tay lái ở cung đường đèo, rừng núi tại khu vực cổng trời An Lão, Bình Định. Bà xã giúp anh chuẩn bị trang phục, đồ dùng, thuốc men.

Trước ngày lên đường, các con và vợ dặn dò anh Tiến: "Nếu ba mệt, gặp sự cố thì phải ngay lập tức báo về nhà rồi bay máy bay về, ba nhé!”. 

"Lúc ấy, bản thân tôi cũng không nghĩ mình có thể hoàn thành hành trình 63 tỉnh thành, xác định tư tưởng có thể trở về bất cứ lúc nào. Nhưng tôi khao khát lên đường, bởi, dù đi được bao xa, qua bao nhiêu tỉnh, thành đều quý cả”, anh Tiến cho biết.

Anh Tiến mang theo bản đồ Việt Nam và đánh dấu đường đi của mình

42 ngày “dầm mưa dãi nắng”

Ngày 8/6, một ngày sau khi nhà trường tổng kết năm học, thầy giáo Tiến bắt đầu hành trình xuyên Việt. Từ Bình Định, anh đi theo quốc lộ 1 để chinh phục điểm cực Tây - A Pa Chải, Điện Biên và điểm cực Bắc (Lũng Cú, Hà Giang).

Những ngày đầu, thời tiết ổn định nên hành trình của anh Tiến khá thuận lợi. Cho tới khi, anh tới khu vực Sa Pa (Lào Cai).

"Ngày hôm đó, tôi di chuyển tới Sa Pa. Buổi sớm, thời tiết khá mát mẻ. Khi đi tới nửa đèo Ô Quy Hồ, trời nắng gắt. Tới đỉnh đèo thì gió thổi mạnh, nhiệt độ hạ nhanh, sương bao kín. Khi xuống đèo, về Sa Pa thì trời đổ mưa, lạnh buốt. Chiều cùng ngày, tôi lên đỉnh Fansipan, trời lạnh đông cứng tay chân”, anh Tiến kể lại.

Thời tiết thay đổi đột ngột khiến anh Tiến sốc nhiệt. Khi về tới khách sạn, anh lên cơn sốt cao. Anh Tiến tự ngâm nước nóng, xoa dầu khắp cơ thể rồi đi ngủ sớm. “Thật may mắn, sáng hôm sau, cơ thể tôi khỏe khoắn như không hề trải qua cơn sốt”, anh Tiến nói.

Anh Tiến trên đỉnh Fansipan cao 3143m

Ngày 17/6, anh Tiến từ Lào Cai di chuyển đến Hà Giang. Anh đặt mục tiêu sẽ có mặt tại Lũng Cú để kỉ niệm ngày sinh nhật tuổi 52. 

Anh Tiến đi theo “con đường tắt” được một người dân bản địa tốt bụng hướng dẫn. Thế nhưng, con đường này càng đi càng gập ghềnh, toàn đá sỏi. Anh Tiến dần mất phương hướng. “Con đường này vốn chỉ dành cho người địa phương. Đường xấu, xóc vô cùng. Việc hỏi đường thì rất khó khăn. Những người già, họ biết đường nhưng lại không biết tiếng Kinh. Các em bé biết tiếng Kinh thì lại không biết đường”, anh Tiến nhớ lại.

Khi đi qua một phiên chợ, anh thấy khá đông đàn ông trung niên, tính vào hỏi thăm đường. Tuy nhiên, hầu hết họ đã uống say, đi ngả nghiêng, có người còn nằm lăn ra đất. Anh Tiến có phần e ngại nên tự mình lái xe đi tiếp.

Phải mất tới 12 giờ di chuyển, anh Tiến mới có mặt tại Hà Giang. Trời đã quá tối, anh nghỉ lại Quản Bạ một đêm, sáng hôm sau mới lái xe đến Lũng Cú. “Tôi hơi tiếc khi không thể đặt chân tới cực Bắc vào đúng dịp sinh nhật. Nhưng được chứng kiến thiên nhiên kì vĩ của Hà Giang, gặp những người bạn nước ngoài yêu Việt Nam tại đây cũng là kỉ niệm khó quên”, anh chia sẻ.

Trên đường đến cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc tổ quốc, anh Tiến làm quen với những người bạn nước ngoài

Anh Tiến ghé thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

Một cung đường khó khăn khác mà anh Tiến trải qua là khi đi qua đèo Đá Đẽo nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh. Anh đi tới đây vào khoảng 17h chiều. Trời mưa tầm tã, gió hú ầm ầm, trời lạnh buốt và đường vắng không bóng người. "Đây vốn là khu vực từng bị giặc Mỹ thả bom rất nhiều thời chiến tranh. Khi đi qua, tôi cũng có chút lo sợ”, anh Tiến thật thà thừa nhận. Một lúc sau, anh thấy một chiếc ô tô 4 chỗ bắt đầu đi tới. Anh Tiến lấy hết can đảm, đi lên phía trước, cố ý "chặn đầu” chiếc xe, không để xe vượt lên. Người tài xế nhấn còi inh ỏi xin đường nhưng anh Tiến vẫn cố gắng không cho xe vượt.

"Khi thấy gần hết đoạn đèo, tôi chủ động đi vào lề đường, dừng xe, cúi chào để cảm ơn người tài xế lái tô tô. Tôi cố ý không để họ vượt lên vì sợ phải di chuyển một mình trên đoạn đường đèo vắng, trong điều kiện thời tiết bất lợi. Lúc này, như đã hiểu ý của tôi, họ lái xe chầm chậm qua như lời tạm biệt rồi rời đi”, anh Tiến kể.

Trên hành trình trải nghiệm dọc đất nước, anh Tiến thường chọn nghỉ chân tại các nhà nghỉ bình dân với mức giá khoảng 200.000 đồng/đêm. "Tổng chi phí chuyến đi khoảng 38 triệu đồng. Tôi không có ghi chép chi tiết nhưng cố gắng chi tiêu hợp lý", anh Tiến cho biết.

“Việt Nam mình thật đẹp!”

Trên hành trình của mình, khi đi qua mỗi tỉnh, thành phố, anh Tiến chọn dừng chân tham quan, khám phá các địa điểm ấn tượng nhất, là biểu tượng tại đó. Anh đã tới thăm các danh lam thắng cảnh Việt Nam được UNESCO công nhận như Quần thể di tích cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình (Ninh Bình).

Tại Ngã ba Đồng Lộc, anh Tiến vô cùng xúc động khi bất ngờ bắt gặp một cựu chiến binh có gương mặt tựa người bố qua đời cách đây năm năm. "Cha tôi cũng là một bác sĩ quân y. Khi nhìn thấy người cựu chiến binh, tôi quá bất ngờ. Tôi tiến tới xin chụp hình cùng bác", anh Tiến tâm sự

Theo thầy giáo 52 tuổi, cung đường đẹp nhất là đoạn quốc lộ 14 - là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và cũng là con đường quốc lộ xuyên nhiều địa hình nhất Việt Nam.

Khi chinh phục cung đường này, du khách có thể dừng chân ở nhiều khu vực như  thác, hồ hay vườn quốc gia để nghỉ ngơi. “Đường rộng, đẹp nên việc di chuyển vô cùng thuận lợi”, anh Tiến chia sẻ.

Trong chặng chinh phục miền Tây, anh Tiến chọn ghé thăm các ngôi chùa cổ, đi qua 8 cây cầu nổi tiếng ở miền Tây: Cầu Vàm Cống - cầu Cao Lãnh - cầu Mỹ Thuận - cầu Năm Căn - cầu Cần Thơ - cầu Hàm Luông - cầu Cổ Chiên - cầu Rạch Miễu.

Càng đi, anh Tiến càng cảm thấy tự hào về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử và văn hóa vùng miền. “Trước đây, trong các bài giảng của mình, tôi thường giới thiệu cho học trò các điểm đến nổi tiếng. Thế nhưng, lúc đó, có nhiều nơi chính bản thân tôi cũng chưa từng đặt chân tới”, anh Tiến thừa nhận. “Nhưng sau chuyến đi này, chắc chắn tôi sẽ có nhiều điều thú vị để kể cho học trò, chia sẻ với các em niềm tự hào về quê hương, đất nước”, người thầy tâm huyết chia sẻ.