Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc đã trở thành quy luật. Theo đó, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh được thực hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử. 

Trong thời gian qua, việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã thực sự góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước những thuận lợi và cơ hội lớn, song, có không ít khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- Vũ Hải Sản trong một bài viết sâu sắc đã nhấn mạnh việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Giải pháp trước tiên, được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lưu ý là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy các cấp trong Quân đội.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho hoạt động kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được tiến hành đúng định hướng và đạt hiệu quả cao. Theo đó, cấp ủy các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ này, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012, của Quân ủy Trung ương, về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội”. Cơ quan quân sự các cấp ở địa phương phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về bảo đảm yếu tố quốc phòng, an ninh trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý các doanh nghiệp quân đội và hoạt động của các đoàn kinh tế quốc phòng; quy chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng, hoạt động kinh tế đối ngoại; chính sách đối với doanh nghiệp quân đội đứng chân trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo... Các doanh nghiệp quân đội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với đặc thù quốc phòng và chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước.

Bàn về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng của Đảng ta, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Đây là giải pháp quan trọng, nhằm định hướng, thống nhất nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng.

Ông dẫn chứng: thực tế cho thấy, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, kể cả một số cán bộ, đảng viên về vấn đề này còn chưa đầy đủ, thống nhất. Vì vậy, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải làm rõ quan điểm, đường lối của Đảng ta và yêu cầu, sự cần thiết phải kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng; mặt khác, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội lợi dụng một số hạn chế trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng để xuyên tạc, chia rẽ Quân đội với Đảng và nhân dân ta. Tuyên truyền toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, để mỗi người thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự tất yếu, khách quan của việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, nhất là hiệu quả toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh từ hoạt động tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phải đa dạng, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên.

Thứ trưởng Vũ Hải Sản cho rằng, cần tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch hóa, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh.

Để làm được điều này, cần nghiên cứu, khảo sát, xác định rõ các nguồn lực, kể cả nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng phù hợp trong từng lĩnh vực hoạt động, ở từng khu vực phòng thủ. Xác định rõ cơ chế, trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các cấp, các ngành; trong đó, cơ quan quân sự chủ động thẩm định, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện tốt cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin để nâng cao hiệu quả và bảo đảm việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được tiến hành ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch các ngành, lĩnh vực đến các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, trong từng công trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đó, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải gắn với quy hoạch tổng thể xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các công trình trọng điểm, phải bảo đảm sẵn sàng phục vụ nhu cầu quốc phòng, quân sự khi cần thiết. Các địa phương, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, phải coi trọng quy hoạch phân bố dân cư để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các quy định trong Luật Quốc phòng và Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21-12-2018, của Chính phủ, “Về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng”.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các khu kinh tế quốc phòng; các đơn vị quân đội vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa tham gia giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đóng quân và khu vực dự án. Đầu tư phát triển kinh tế biển một cách bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển, đảo; quan tâm phát triển lực lượng dân phòng, các tổ, đội liên kết của ngư dân trong khai thác thủy, hải sản để cùng nhau bảo vệ hoạt động sản xuất và bảo vệ biên giới, biển, đảo.

Giải pháp cuối cùng, được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhắc tới là công tấc nghiên cứu, dự báo tốt tình hình để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng có hiệu quả và phù hợp.

Bởi vì, khi tổ chức nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình thế giới và khu vực, nắm rõ nguồn lực và xu thế vận động của tình hình mới để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, chủ động triển khai việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng một cách có hiệu quả. Tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chiến tranh công nghệ cao; về xây dựng tiềm lực quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế.

Và, việc xây dựng tiềm lực quốc phòng không chỉ cần chú trọng tiềm lực tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và tiềm lực khoa học - công nghệ, mà còn phải chú trọng cả tiềm lực con người. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, đưa đất nước vươn lên tiến bước cùng thời đại.

Như Quỳnh, Minh Hưng, Anh Duy