Năm 2022, toàn tỉnh Bình Định có 10 xã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh cùng các địa phương đang gấp rút tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực về đích đúng kế hoạch.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh, 4 xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Phước Quang (Tuy Phước), Cát Hanh (Phù Cát) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Các xã Nhơn An (TX An Nhơn), Phước Nghĩa (Tuy Phước), Bình Tường (Tây Sơn), Mỹ Quang, Mỹ Châu (Phù Mỹ), Ân Tường Tây (Hoài Ân) đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu.

Năm 2022, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh Bình Định gặp một số khó khăn nhất định. Do đó, để đảm bảo về đích đúng kế hoạch đòi hỏi nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương. 

Bình Định có 4 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều điều kiện nâng cao hơn so với giai đoạn trước, với riêng các xã nông thôn mới nâng cao là bổ sung thêm 6 tiêu chí (giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 13 tiêu chí). Trong khi đó, việc ban hành khung pháp lý quy định thực hiện Chương trình cho giai đoạn này lại chậm. Vì vậy, việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương triển khai các hạng mục chậm theo, đến tháng 8/2022 mới hoàn thiện và phân bổ vốn về các xã…

Đây không phải chuyện của riêng Bình Định mà nhiều tỉnh khác cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy vậy, chương trình mang tính chất dài lâu với các điều chỉnh và định hướng tầm nhìn xa, phù hợp với phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong thời gian tới.

Vì vậy, tỉnh đã xác định được khó khăn, nguyên nhân và cách thức khắc phục. Một số địa phương đã tháo gỡ thành công, thực hiện rất tốt các tiêu chí. Cụ thể, đã có 4 xã hoàn thành chờ thẩm định, các xã còn lại hoàn toàn tự tin tháo gỡ được các điểm vướng mắc để thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Theo kế hoạch, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cùng chính quyền các địa phương nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí, dự kiến trình Ban Chỉ đạo thẩm định vào tháng 1/2023 nhằm công nhận các xã nông thôn mới nâng cao.

Dù có khó khăn ban đầu nhưng giai đoạn này, các địa phương có nhiều trợ lực từ các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới được triển khai xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, như: Chương trình phát triển sản phẩm OCOP; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn… Những sự hỗ trợ này sẽ góp phần thúc đẩy các địa phương của tỉnh Bình Định về đích đúng kế hoạch. 

Quỳnh Nga